Ấn Độ, Blog

🇮🇳 Ấn Độ (Chap 22): Liêm sỉ gì tầm này nữa! (một câu chuyện đáng nhớ trên chuyến xe từ Ziro về lại Itanagar).

IMG_8756

Bài viết để gửi lời cảm ơn tới một người lạ đã giúp tôi “sống sót” trong hành trình về lại Itanagar.

✅ 1, Thôi xong đời tôi rồi!
 
Ngày về không còn may mắn như ngày đi. Còn nhớ hồi đi từ Itanagar đến Ziro, tui còn khoe là xe ế khách nên chỉ có 3 anh em bao nguyên chiếc xe; nhờ vậy tui còn được nằm ngủ ngon lành ở băng ghế phía sau xe. Nhưng ngày về lại Itanagar thì chiếc xe ken cứng người ngồi. Có lẽ người ta ít tới vùng quê xa xôi hẻo lánh như Ziro, nhưng người ở quê thì thường đổ về thị trấn hoặc thành phố để kiếm việc làm, để đi học.
 
Lúc xe đến đón chúng tôi, chỉ còn đúng 3 chỗ trống. 2 chỗ trống cuối xe thì anh Nam và anh Ninh ngồi với nhau. Còn 1 chỗ trống còn lại gần cửa sổ và sát bên một người đàn ông Ấn Độ tầm tuổi trung niên – là chỗ của tôi.
 
Tôi bắt đầu hoang mang không biết mình sẽ phải “sống sót” như nào trên chuyến xe đông nghẹt người và hàng hóa này đây. Vì xe ken cứng chỗ nên tôi sẽ không được ngả người ra và chắc chắn tôi sẽ say xe. Vì luôn lường trước tình huống nên tôi cũng tự chuẩn bị cho mình vài túi nilon dự phòng!
 
Ziro là một thung lũng trên núi. Từ đây về thị trấn lúc nào cũng ngoằn ngoèo hiểm trở với nhiều đoạn cua. Xe đi được 20p là tui bắt đầu “cô huệ… cô huệ….” liên tục. Tôi nôn ói vật vã cả chặng, cứ khúc cua là ói, ói tới mức mấy người Ấn cũng mém ói theo tôi.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 2, Tủi thân.
 
Thấy tôi thê thảm quá, anh Ninh mới bảo anh Nam “Hay để em đổi chỗ cho thằng người Ấn lên ngồi cạnh Hương cho nó gục đầu đỡ, chứ nó say xe quá!”. Anh Nam giữ chặt anh Ninh bảo “Mày ngồi yên đây đi!”, sau đó anh nói về tôi với một giọng nói đầy bức bối: “Con này – phượt thủ gì mà KÉM!”.
 
Tôi đã quá khổ sở vì say xe, đã kiệt sức dã man vì ói mửa liên tục. Trong lúc cơ thể đang yếu đuối nhất, thì câu nói của anh Nam như một đòn đánh tâm lý mạnh với tôi lúc đó. Làm tự dưng một cảm giác tủi thân dâng trào dữ dội trong lồng ngực. Cổ họng tôi ngẹn lại.
 
Ừ thì tôi có muốn mình bị say xe đâu, tui bị bẩm sinh và luôn xấu hổ với điều đó, với lại… cố gắng mạnh mẽ thế nào thì tôi vẫn là con gái mà. “Mà thôi…” – tôi tự trấn an mình: “Nam nữ bình quyền, lôi chuyện mình là con gái ra mà tủi thân làm gì trời, thật ngớ ngẩn và sến súa, gái trai gì cũng như nhau thôi. Chẳng nhẽ mình là con gái thì không thể bị chê trách à. Mình vô dụng thì bị chê mắng đúng rồi, đáng đời mình lắm! Làm gì có travel blogger nào say xe, yếu ớt, kém cỏi như mình chứ!”. Tôi đã tự trách bản thân mình như vậy đấy!
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 3, Không còn liêm sỉ gì nữa.
Mà cảm giác say xe nó khủng khiếp quá, như chết đi sống lại vậy. Quãng đường thì còn xa và hiểm trở. Lúc này tôi đã quá mệt rồi, không còn liêm sỉ gì nữa, tôi quay qua nhìn ông người Ấn trung niên bên cạnh với ánh mắt van nài yếu ớt: “Anh có thể cho tôi ngả đầu lên đùi anh 1 lúc được không?“, tôi vừa thều thào hỏi, vừa ra dấu tay chỉ vô đầu tui rồi chỉ lia lịa xuống đùi ổng. Cái, ổng gật đầu đồng ý. Chỉ đợi có thế, tôi đặt cái gối cổ lên đùi ổng rồi gục xuống…
 
Ôi, sống rồi!!! Gục xuống như vậy nằm lâu cũng thật chật chội, mỏi lưng, mỏi hông và tê chân. Nhưng ít ra tôi không còn say xe nữa. Như này là tôi đủ sống sót rồi!
 
Tôi mắc bệnh say xe kinh niên, nhưng lạ 1 cái là chỉ cần được gục đầu thật thấp xuống thì tôi sẽ không còn say nữa. Nhờ tình cảnh éo le ấy, tôi ghi thêm được một ấn tượng đẹp về những người đàn ông Ấn Độ.
 
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 4, Điều quý giá mà tôi nhận được!
 
Miệng tôi lúc đầu thì xin người ta cho gục 1 lúc. Nhưng rồi tôi đã tranh thủ gục luôn cả hành trình cho đến khi về tới Itanagar. Suốt cả hành trình dài ấy, tôi say xe nằm gục mê man trên đùi ổng, nhưng ổng không hề có một hành động nào xấu với tôi. Chỉ ngồi im cho tôi gục đầu vậy thôi. Thậm chí ổng còn ko dám nhúc nhích (chắc sợ làm tôi tỉnh giấc). Tôi biết 4-5 tiếng cứ ngồi đơ như vậy cho tôi gục đầu sẽ tê chân lắm. Tự dưng tôi có cảm giác an toàn như thể người tôi đang gục vào là bố mình vậy. Mà không biết chừng có khi lúc nớ ổng nghĩ trong đầu: “Thui ráng gồng cho nó nằm không nó ngồi nó nôn hết ra người mình thì toi!”. Haha, nghĩ theo hướng nhảm nhảm xí cho đỡ nặng nề!
 
Rồi xe cũng về tới Itanagar. Lúc xuống xe tôi rối rít cảm ơn ổng và gửi ổng vài chiếc kẹo Việt Nam cuối cùng còn lại trong túi. Ổng cũng chỉ gật đầu rồi rời đi. Tôi chưa bao giờ biết tên và cũng không nhớ rõ mặt. Nhưng… tôi thật sự xúc động bởi sự tử tế mà mình nhận được trên chuyến xe ấy!
 
Giờ đây, thay vì cảm thấy buồn vì việc anh Nam chỉ trích tôi khi tôi yếu đuối nhất, tôi lại thấy biết ơn. Ít ra như vậy tôi có thêm những kỷ niệm tốt đẹp với một vùng đất, với những con người tôi gặp trên hành trình. Có lẽ đó mới là những giá trị thật sự của một chuyến đi.
 
Và các bạn thấy đấy, đâu phải đàn ông ở Ấn Độ thì toàn những người xấu xa, hiếp dâm, trộm cướp. Cứ thử đi đi rồi bạn sẽ biết thế giới bên ngoài tuy có khác biệt so với môi trường của bạn, nhưng ở đâu cũng có tình người. Cứ thử đi đi rồi bạn sẽ biết thế giới ngoài kia có thật sự nguy hiểm như bạn vẫn nghĩ không!
 
Tôi đã đến Ấn và đã nhận được rất nhiều tình người từ những con người xa lạ như thế!
Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply