TTCT – Bất chấp mưa lũ và những lời khuyên của bạn bè, hai đứa sinh viên cứng đầu vẫn liều chạy xe hơn trăm cây số từ Đà Nẵng vào làng Bhơhồông (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam). Hành động liều lĩnh chỉ để thỏa mãn sự tò mò về cuộc sống của đồng bào Cơ Tu mùa mưa bão.
Hành trình vào làng mưa to suốt đoạn đường, nhưng do thiếu hiểu biết nên cứ nghĩ vùng núi cao nước lũ sẽ không lên. Vậy mà ai ngờ chỉ sau hai giờ vào làng, trên đường quay về chúng tôi đành bất lực đứng nhìn nước sông dâng cao chia cắt tuyến tỉnh lộ 604. Người bên kia đứng nhìn người bên này đường mà không làm sao qua được. Nối sau một đoàn xe máy là chiếc xe tải và ôtô con, nhưng tất cả đều khựng lại trước mép dòng lũ. Cứ sau hai phút nước lại dâng lên vài centimet.
Đang đứng nhìn con đường dần biến thành sông với nước chảy xiết ào ạt trong sự vô vọng, lo lắng không biết làm sao để về được Đà Nẵng thì từ xa xuất hiện chiếc xe tải 92K-9637 dừng lại cho mọi người lên nhờ để xe đưa qua dòng lũ. Đi đến giữa dòng lũ, bánh xe tải bị dòng nước đẩy lệch qua sát mép đường ngăn với dòng sông đang xiết nước xoáy dữ dội, sùi bọt trắng xóa, có lúc cảm giác như chiếc xe tải có thể lật nhào xuống dòng sông bất cứ lúc nào. Nhưng rồi bánh xe lại lấn lên dòng lũ và băng qua an toàn.
Khi chiếc xe tải sang được bờ bên này, chúng tôi mừng như bắt được vàng. Chẳng ai bảo ai, tất cả người trên xe cùng người đang đứng đợi chạy đến khiêng xe máy xuống và lại đưa xe máy phía bên này lên để bác tài tiếp tục đưa đoàn người trở qua bên kia. Sau khi khuân xe giúp mọi người xong, bác tài mới trèo vào trong xe với bộ dạng ướt nhẹp.
Là cô gái duy nhất trong đoàn, tôi được ưu ái lên phía trước cabin ngồi cùng bác tài. Chẳng bao giờ quên được cảm giác lúc ấy. Hồi hộp xen lẫn âu lo, không biết rồi chuyện gì sẽ đến với mình. Bất chợt, những bài báo về các vụ lật xe mà tôi từng được đọc đồng loạt xuất hiện trong đầu. Một tay nắm chặt dây bảo hiểm, một tay nắm chặt cửa xe, tôi lẩm nhẩm cầu nguyện mọi chuyện sẽ ổn.
Thở dốc một cái, bác tài bắt đầu nhấn ga. Đôi bàn tay anh chai sạm, rắn rỏi nắm chặt vôlăng, nổi gồ lên những đường gân xanh, ghì chặt lại trước những đợt sóng mạnh ào đến liên tiếp, đập ầm ầm vào bánh xe. Đôi mắt anh nhìn thẳng phía trước, bình thản.
Cái cảm giác chông chênh và chấp chới trên dòng lũ. Phía trước là sống, còn một bên là dòng lũ cuồn cuộn dưới sông, một bên là dòng nước xiết chặt bánh xe như muốn lật nhào chiếc xe xuống. Chẳng ai biết chuyện gì có thể xảy ra cả. Cứ tưởng bác tài phải phóng thật nhanh băng qua dòng lũ. Ấy thế anh lại cho xe đi rất chậm, từ từ, tiến lên từng chút một. Chậm chạp mà chắc chắn từng vòng xe. Và rồi chiếc xe cũng vượt qua.
Anh nói gấp trong tiếng mưa rào rào: “Phía trước còn một đoạn nước sông dâng cũng khiếp lắm”. Rồi anh đưa cả đoàn xe chạy hết con dốc cao dựng đứng, băng qua một dòng lũ nữa cách đó không xa. Đến đoạn an toàn anh mới dừng xe, nhanh nhẹn nhảy xuống cùng mọi người chuyển từng chiếc xe máy xuống.
Xong xuôi, có mấy chú gom tiền, mỗi người vài chục ngàn đồng đưa cho anh. Nhưng anh xua tay, lắc đầu: “Thôi, tôi giúp anh em rứa thôi. Ai cũng khó khăn cả, nhà tôi ở gần đây nên tôi giúp, không có chi đâu”. Nhưng mấy chú cứ dúi tiền vào tay anh: “Coi như là anh em tôi mời anh một chén rượu đi”. Anh gãi đầu lộ vẻ bối rối, nhưng vẫn dứt khoát từ chối: “Đừng làm thế, tôi ngại lắm”.
Bắt chuyện và “dụ” mãi bác tài mới chịu cho biết tên là Ánh, 46 tuổi. Anh nói xe tải là xe chở đất đá, còn việc đưa người qua dòng lũ là vì “thấy họ đứng đó tội quá nên giúp thôi. Với xe máy thì chở qua, còn ôtô loại nhỏ thì tôi kéo giúp qua cho an toàn, mùa lũ nào cũng vậy, riết thành quen”. Nói xong anh vẫy tay chào chúng tôi rồi quay vào xe.
Tôi vội rút máy ảnh gọi với: “Bác tài ơi”. Anh quay ra, ánh mắt ngơ ngác, tôi bấm máy và nói: “Cho chúng tôi xin một kiểu ảnh kỷ niệm. Cảm ơn bác tài ạ”. Anh cười. Ấm áp tình người giữa núi rừng trong bão lũ.
MAI HƯƠNG – XUÂN QUÝ