Dựng lều ngủ đêm trên tuyết trong rừng taiga, xé nhật ký để nhóm lửa đêm, hay hốt hoảng khi sáng ngủ dậy thấy bộ lạc dỡ lều rời đi là những kỷ niệm đặc biệt của cô gái 9X trong hành trình đến với Tsaatan – bộ lạc tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ.
Phạm Mai Hương sinh năm 1991, là cô gái nhỏ nhắn đam mê du lịch, từng đi đến Himalaya, Nepal, và gần đây nhất là hành trình tới vùng đất tách biệt nhưng là một phần đặc biệt của thế giới – cực bắc Mông Cổ, giáp ranh giới Nga. Để tìm đến bộ lạc Tsaatan, Hương phải di chuyển qua nhiều chặng xe và cả ngựa để xuyên qua những cánh rừng taiga phủ đầy băng tuyết.
Hành trình đầy ám ảnh, gian nan
Bộ lạc Tsaatan hay còn gọi là Dukha, là bộ lạc tuần lộc cuối cùng của Mông Cổ. Họ có lối sống du mục, luôn di chuyển từ đồng cỏ này tới đồng cỏ khác. Họ đang đứng trước nguy cơ biến mất trong lịch sử do chính sách của chính phủ và quá trình hiện đại hóa. Vì thế Mai Hương rất khao khát chạm đến nơi này.
Nhưng đây là nơi không hề dễ đến với người Việt, bởi gần như không có các thông tin tư vấn hay chia sẻ, Hương lân la các nhóm du lịch Mông Cổ để hỏi và thu thập thông tin, kinh nghiệm cho chuyến đi. Từ thủ đô Ulaabaatar cô đi chuyến xe bus dài 18 tiếng cho 700 km để đến Moroon. Xe chật chội và bị nhồi nhét hàng hoá. Từ Moroon cô tiếp tục đi chuyến xe duy nhất (vài ngày mới có một chuyến) để đến được Tsagaan Nuur.
Hương chia sẻ “Đây mới thật sự là chuyến xe kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi từng đi”. Xe minivan 10 chỗ nhưng luôn bị nhồi 15-16 người cùng rất nhiều hàng hoá hỗn độn. Tài xế thản nhiên hút thuốc trên xe. Chặng đường 300 km nhưng dài đến 12 – 16 tiếng vì đường vô cùng xóc và bùn lầy. Và Hương đã bị nôn mửa suốt chặng đường đi, chân tay thì tê cứng vì không thể cử động.
Những người Tsaatan ở rừng Taiga, nơi đủ lạnh để tuần lộc của họ hoàn toàn được khoẻ mạnh. Ảnh: NVCC. |
Đến Tsagaan Nuur, Hương được thả tại nhà guide (hướng dẫn), và bắt đầu đi ngựa vượt qua 3 ngọn đồi và những khu rừng taiga để tìm đến bộ lạc tuần lộc. Tuyết phủ rất dày, khiến cả người và ngựa đều rét run.
Những giấc ngủ chập chờn vì quá lạnh
Ngày đầu tiên, do tuyết dày và mưa khiến Hương chưa thể đến với bộ lạc mà phải dựng lều ngủ ở một chuồng ngựa bỏ hoang. Cô không thể ngủ nổi, bởi cái lạnh của rừng taiga thật ám ảnh, nó có thể xuyên thấu qua tất cả lớp vải để ngấm vào người.
Đêm đầu tiên ngủ ở bộ lạc, Hương vẫn cảm thấy quá lạnh lẽo, 3h sáng, cô chui ra khỏi chăn, bếp củi đã tắt và cô đành nhóm lửa bằng… cuốn nhật ký của mình. Đêm thứ 2 cô hẹn giờ, cứ một tiếng đồng hồ dậy châm củi một lần để lửa được duy trì cả đêm. Đến ngày thứ 3 thì Hương lăn ra ốm vì thiếu ngủ và lạnh.
Đêm thứ 3 Hương quyết định ôm chăn gối qua gia đình Tsaatan để xin ngủ một góc trong lều của họ, và được một giấc ngon lành trong không gian ấm áp. Hương cùng họ quây quần bên bếp lửa, cắn hạt thông, nghe họ hát hò và nói chuyện.
Những ngày khó quên cùng bộ lạc tuần lộc. Ảnh: NVCC. |
Hương giao tiếp với người Tsagaan bằng hình vẽ nhanh trên giấy, ngôn ngữ cơ thể và một vài từ rời rạc trong cuốn từ điển. Và họ cũng từng làm cô gái Việt hoảng hốt khi sáng sớm ngày thứ 4, bộ lạc dọn lều để chuyển đi nơi khác. Dù biết họ là dân du mục cuộc sống nay đây mai đó nhưng Hương cũng hết sức bất ngờ vì cô sẽ phải một mình ở nơi lạnh lẽo này. May mắn Hương liên lạc được với guide đến đón về.
Hương đùa giỡn với tuần lộc lúc sáng sớm. Ảnh: NVCC. |
Hương chia sẻ, chi phí chuyến đi từ Ulaabaatar đến bộ lạc hết khoảng 4 triệu đồng, trong đó xe bus đến Moroon là 360.000 đồng, phí nghỉ lại Moroon 150.000 đồng một đêm, vé xe bus Moroon-Sagaanur là 500.000 đồng một chiều. Tiền thuê ngựa chở người, chở hành lý, ngựa cho guide là 200.000 đồng mỗi con, cùng với tiền mua đồ ăn mang theo và một số chi phí nhỏ khác.
Trở về từ chuyến đi, Hương có bộ ảnh rất đẹp và hơn tất cả là hành trình vừa đáng nhớ vừa đáng sợ – cuộc sống 4 ngày cùng bộ lạc tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ. Sắp tới Hương sẽ tiếp tục rong ruổi và làm những bộ phim ngắn về văn hóa, du lịch theo cách riêng của mình.