‘Chuyến đi để lại cho tôi những ký ức đẹp trong đời. Đêm thảo nguyên lạnh lẽo càng khiến tôi thêm trân quý buổi tối ấm áp và ngọt ngào trong gia đình người Tsaatan’, Hương chia sẻ.
Ai trong chúng ta cũng từng có khát vọng khám phá thế giới theo kiểu: “sống như những đứa nhóc không nhà, sớm thức dậy ở một nơi xa”. Song, những dự định đẹp đẽ ấy thường bị xếp xó vì trăm ngàn lý do khác nhau.
Nhưng Phạm Mai Hương (sinh năm 1991, quê Hòa Bình) đã thật sự vượt lên những nỗi sợ vô hình, tính do dự thường thấy của số đông để “bỏ hết tất cả mà đi”.
Tháng 3, Hương một mình đặt chân đến Nepal và bắt đầu thực hiện ước mơ chinh phục Everest – nóc nhà của thế giới. Hành trang cô nàng mang theo không gì ngoài một trái tìm tràn đầy nhựa sống, tâm thế “xem mình có thể đi xa được tới đâu”. Tháng 8, Hương nộp đơn nghỉ việc tại một trường đại học ở Đà Nẵng, ít ngày sau, 9X có mặt tại Mông Cổ góp nhặt cho mình đủ kiểu trải nghiệm sống: 12 ngày lang thang khắp sa mạc Gobi, dựng lều ngủ giữa trời âm 20 độ C, cưỡi ngựa xuyên 3 khu rừng Taiga phủ đầy băng tuyết.
Nhưng thú vị hơn cả là khi Mai Hương đặt chân đến bộ lạc Tsaatan, nơi chăn nuôi tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ.
Ngủ lều, chăn tuần lộc cho người bản xứ
Để tiết kiệm chi phi sinh hoạt, Hương đăng ký làm tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mông Cổ. Sau khi cùng Agata (cô gái người Ba Lan) đi một vòng khám phá hết miền Nam Gobi, ghé qua thủ đô Ulaabaatar rồi Mai Hương quyết định tiến về cực Bắc của Mông Cổ, giáp ranh giới Nga – nơi có bộ lạc Tsaatan sinh sống.
Đặt chân đến bộ lạc Tsaatan, 9X Việt thích thú khi được hòa mình vào cuộc sống du mục. Dù đã được trải nghiệm lối sống này khi dừng chân ở Gobi nhưng đến đây, Hương mới thật sự thấy được nếp sinh hoạt của người du mục theo lối cổ đại. Họ không ở trong lều truyền thống như dân du mục thường (loại lều đó gọi là “ger”), mà sống trong lều cổ là lều “teepee”.
Ban ngày, Hương quan sát cách họ sinh hoạt, cùng họ đi lấy củi, cho tuần lộc ăn, vắt sữa tuần lộc, xem họ làm đồ lưu niệm. Tối đến, cô ngủ trong túp lều thuê của người bản xứ với giá 75.000 đồng một lều.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của Hương từ khi đặt chân đến nơi hẻo lánh này có lẽ là những đêm thức trắng vì lạnh giá. Đỉnh điểm của trải nghiệm nơi khắc nghiệt là khi Hương thức giấc nửa đêm, thắt lòng mang cuốn nhật ký ra nhóm lửa vì quá rét.
“Đó thật sự là một trong những ký ức đẹp nhất mà tôi từng trải qua. Có lẽ nếu không có những đêm lạnh lẽo kia thì tôi đã không có được buổi tối ấm áp và ngọt ngào như thế”, Hương nói.
Truyền cảm hứng cho bạn trẻ sống hết mình
Lướt qua những bình luận khen ngợi, tán dương của dân mạng dành cho Hương sau khi bộ ảnh về chuyến đi đến Mông Cổ được đăng lên Facebook, 9X vui vì bản thân đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ sống hết mình và sẵn sàng du lịch, khám phá để thêm trải nghiệm.
Nhưng, tất cả chỉ là bề nổi. Mai Hương tâm sự với Thanh Niên: “Để có được những khoảnh khắc đẹp mà ai nhìn vào cũng thốt lên ‘ước được như cô ấy’, thì bản thân tôi đã phải chấp nhận sống cùng nỗi buồn sau tháng ngày đắm chìm với biển rộng núi xanh”.
“Nỗi buồn đến từ quyết định từ bỏ công việc ổn định, điều từng khiến gia đình tôi rất đỗi tự hào. Buồn sau những cuộc tranh luận, xung đột không hồi kết giữa tôi với bố mẹ, ông bà về quan điểm sống và đam mê cá nhân. Thắt lòng khi thấy nước mắt những người thân yêu đã rơi vì những điều như thế…”.
Theo thanhnien.vn