TTCT – Nhiều người nói tôi liều lĩnh vì thân con gái lại đòi độc hành chinh phục đèo Mã Pí Lèng bằng xe máy…
Bỏ ngoài tai những cảnh báo “đó là một trong những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất ở Việt Nam”, tôi vẫn quyết tâm sẽ tự mình cầm lái chinh phục cung đường này, tự mình cảm nhận những huyền thoại nơi đây.
Trải nghiệm nhớ đời
Đến với Hà Giang vào thời điểm không có tam giác mạch nhưng tôi chẳng quan tâm, bởi cái mình muốn đi tìm là một Hà Giang nguyên sơ và tĩnh lặng như vẻ vốn có của nó.
Nếu hỏi điều gì đáng nhớ nhất suốt hành trình hai ngày tự cầm lái chinh phục cung đường Tây Bắc hiểm trở này, tôi sẽ không ngần ngại kể lại cho bạn nghe cảm giác kiệt sức chạy xe đường đèo từ Lũng Cú về Đồng Văn trong đêm tối mịt.
Ngày đầu tiên của chuyến đi, tôi vẫn chưa thể thưởng thức cung đèo Mã Pí Lèng, mới chỉ ghé thăm núi đôi Quản Bạ, Yên Minh, cột cờ Lũng Cú rồi quay lại nghỉ đêm ở Đồng Văn.
Chạm đến cột cờ Lũng Cú lúc 6h30 chiều, tôi đã quá mệt mỏi và đau người vì một ngày chạy xe trên địa hình đèo dốc quanh co với vận tốc 20 – 25 km/h cho chặng đường 146km.
Tuy vậy, tôi vẫn gắng dùng chút sức lực còn lại leo hàng trăm bậc thang để lên đỉnh cột cờ – điểm cao nhất của Lũng Cú, để chạm đến một điều gì đó thiêng liêng của Tổ quốc.
Đứng từ trên cao chót vót của đỉnh cột cờ Lũng Cú nhìn ra xa, bỗng dưng một cảm giác cheo leo và chông chênh ập đến đôi chân khiến tôi rùng mình. Gió vùng cao nguyên thốc về lạnh buốt, lá cờ Tổ quốc khổng lồ phần phật trên đầu.
Tôi đứng đó lặng lẽ ngắm nhìn toàn cảnh cao nguyên Hà Giang rộng lớn thu gọn trong tầm mắt từ trên cao. Tôi thấy mình bé nhỏ, đơn độc nhưng tự do, hạnh phúc quá đỗi.
Nhưng tôi còn 38km đường núi nữa để về đến thị trấn Đồng Văn trong đêm tối. Con đường từ Lũng Cú về Đồng Văn thật sự rất xấu với vô số ổ gà, ổ voi và có những đoạn bị sạt lở. Vẫn liên tục gặp đèo dốc và cua.
Tôi vẫn chỉ dám chạy xe với vận tốc 20 km/h để cảm thấy đủ an toàn và có thể làm chủ tay lái ở mọi khúc cua. Đường rừng núi không một bóng điện, lại nhiều sương mù. Tất cả ánh sáng tôi có là thứ ánh sáng le lói từ chiếc xe máy của chính mình.
Chạy xe một mình trong đêm tối không ánh đèn, lại có cảm giác trống trải sau lưng thật sự rất lạnh lẽo. Dù liều lĩnh đến mấy, tôi vẫn rất sợ ma rừng, một nỗi sợ mơ hồ rất buồn cười của một đứa con gái thành thị.
Được một lúc, tôi mừng rỡ khi nhìn thấy thứ ánh sáng từ đèn xe máy của một cặp vợ chồng người dân tộc Mông chở nhau trên đèo. Định bụng bám sát xe họ cho đỡ sợ, nhưng có lẽ vì đã quá quen với cung đường này nên họ chạy xe nhanh và thuần thục, tôi không thể bám kịp.
Vì thế tôi tiếp tục lèo lái chiếc xe đi trong đêm tối tĩnh mịch. Cứ vậy, gần một tiếng sau tôi bỏ lại sau lưng màn đêm đặc quánh thâm u của núi rừng, đến được với thị trấn Đồng Văn. Cảm giác lúc đó vừa nhẹ nhõm vừa hạnh phúc như mình vừa vượt qua điều gì đó khủng khiếp lắm.
Ngày đầu tiên chỉ mang tính “khởi động” ấy đã khiến tôi cảm thấy thật sự mỏi mệt vì cung đường nhiều khúc cua này. Nhưng thật sự tôi phải công nhận mặc dù chưa đến với cung đèo huyền thoại, nhưng tôi vẫn phải say đắm trước vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng cao nguyên Hà Giang.
Với những dãy núi đá tai mèo hiểm trở, kỳ dị, chỗ xanh rì cỏ cây, nơi lại chỉ toàn một màu đá xám trần trụi thoảng hiện trong màn sương mờ ảo của mây và nắng. Núi nhiều đến mức chen lẫn vào trong mây, xô đẩy mãi, nuốt chửng cả đường chân trời. Tôi mới hiểu các cung đường vẫn luôn dạy cho tôi biết trân trọng những điều đẹp đẽ trên chính hành trình, chứ không phải là đích đến.
Cái giá nào cho hạnh phúc?
Trời còn mờ hơi sương, lạnh và ngái ngủ. Tôi vẫn quyết định đi sớm một chút để hi vọng sẽ hoàn thành cung đường này, kịp về Hà Giang trước khi trời tối.
Rồi những tia nắng đầu tiên của ngày bắt đầu xuyên qua không trung, lẫn vào màn sương mỏng, mơ màng phủ lên những dãy núi đá tai mèo xám xịt và xanh sẫm. Đó là lúc tôi đã đi đến nơi được mệnh danh là “Con đường hạnh phúc”.
Mã Pí Lèng dần hiện ra. Đúng là chỉ khi tận mắt thu vào toàn bộ đất trời núi rừng, căng mình lèo lái chiếc xe qua từng đoạn ngoặt mới thấy được “vẻ đẹp nguy hiểm” đầy lôi cuốn của cung đường này. Một bên là dãy núi đá hùng vĩ, một bên là vực thẳm sâu, mọi thứ hiện lên đầy cứng nhắc và hiểm trở, chỉ có con đường mỏng manh uốn lượn bên sườn núi là mềm mại như một dải lụa.
Nhưng con đường ấy nhiều lần khiến tôi thót tim khi một chiếc ôtô vượt ẩu lấn sang làn đường ngược chiều, khiến đôi khi tôi phải cua gấp sang sát mép rìa bên vách đá.
Rồi bỗng con dốc cao phủ lên mình một màu vàng ươm của nắng. Đó là lúc tôi đã lên đến điểm cao nhất của Mã Pí Lèng. Đưa máy chụp hình lên ngắm, tôi bấm vài tấm rồi buông thõng tay, cảm giác bất lực vì chẳng thể lột tả được hết những gì đẹp đẽ mà mình đang thấy trước mắt.
Một vùng cao nguyên kỳ vĩ, rộng lớn đến mức khiến dòng sông Nho Quế xanh biếc phải khép nép, ép mình lặng lẽ chảy qua cái khe nhỏ dưới đáy vực sâu, khiến “con đường hạnh phúc” được làm nên từ công sức của hàng vạn thanh niên trai tráng ngày đó trở thành một sợi chỉ mỏng manh, nhỏ bé.
Gần một tiếng đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, tôi thu tất cả vào tầm mắt mình cái hùng vĩ, tráng lệ của cao nguyên đá Đồng Văn.
Đọc nội dung bảng tổng kết quá trình thi công con đường và chợt nhận ra sự kỳ vĩ này chẳng thấm vào đâu so với sức mạnh của con người. Núi đá tai mèo cheo leo hiểm trở, cứng như sắt thép. Vậy mà bàn tay của hàng vạn con người đã làm nên kỳ tích.
Nhìn vực sâu, nhìn sườn núi cheo leo, tôi mới hình dung ra tại sao hàng vạn con người của những năm 1960 phải treo mình trên đó 11 tháng. Khó mà đong đếm được bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu máu đã đổ trên cao nguyên đá để đem hạnh phúc đến cho 8 vạn đồng bào miền núi nơi đây.
Tôi lại lên xe và nổ máy đi dần xuống dốc, tiến về Mèo Vạc. Tôi chạy xe thật chậm, thật chậm, thu hết mọi thứ vào tâm trí, rồi bất giác tự hỏi: “Đi sao cho hết “con đường hạnh phúc”? ■
MAI HƯƠNG
(Bài viết này đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần: http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/cuoc-song-muon-mau/du-lich/20170318/di-sao-cho-het-con-duong-hanh-phuc/1277030.html)