My Newspaper Writing, Myanmar, Photos, Video

Hành trình đến với tộc người “mặt hổ” ở miền tây, Myanmar / Meet the last tattooed women of Burma

cover for blog

Không cảnh đẹp, không đồ ăn ngon, không có dịch vụ du lịch tốt và cũng không an nhàn,… Tất cả những gì mà Chin thu hút tôi chính là câu chuyện huyền thoại về những người phụ nữ “mặt hổ” cuối cùng còn sót lại tại Myanmar. Và tôi nghĩ, với dân xê dịch đã cảm thấy “bội thực” đền đài ở Myanmar thì chuyến đi đến với những bộ tộc của người Chin sẽ là một điểm đến hay ho và mới lạ.

Chin women4
Bà Daw Yaw Shen Ying (90 tuổi, người M’kaan) là người phụ nữ “mặt hổ” cuối cùng biết thổi sáo bằng mũi. Nhờ điều này, bất cứ ai ghé thăm bộ tộc xăm mặt cũng tìm đến gặp bà. Bà cho biết: “Tôi bắt đầu tập thổi sáo bằng mũi từ năm 15 tuổi, cùng năm mà tôi phải xăm mặt. Để thổi được cây sáo theo cách này đòi hỏi phải tốn rất nhiều năng lượng vì rất cần một làn hơi mạnh và đầy đặn đẩy ra từ mũi để tạo ra những nốt âm thanh hoàn hảo”.

Hành trình đến Mindat

Tôi tạm gọi hành trình này là “off the beaten track” đối với người Việt vì ko thể tìm tất cả các thông tin cần thiết từ các website tiếng Việt. Bù lại, tôi phải tiếp tục lân la tìm kiếm tìm kiếm thông tin từ những người nước ngoài đã từng đến đó.

Một người phụ nữ Uppriu đang vệ sinh trang sức của mình.
Một người phụ nữ Uppriu đang vệ sinh trang sức của mình.

Tôi chọn khám phá những người phụ nữ “mặt hổ” tại thị trấn Mindat. Vì ở Mindat có bà Daw Yaw Shen Ying – người phụ nữ “mặt hổ” được coi là “di sản” của thế giới, vì bà là người phụ nữ xăm mặt cuối cùng biết thổi sáo bằng mũi. Và lý do thứ hai là bởi vì thị trấn này đa dạng về tộc người hơn các thị trấn khác. Hiện ở Mindat có 3 tộc người chính sinh sống là M’kaan, M’uun và Uppriu. Như vậy tôi có thể được chiêm ngưỡng cả 3 hình xăm của 3 tộc người khác nhau tại đây.

Bà Ma Seim (67 tuổi, người Uppriu) tỏ ra ngượng ngùng khi chụp ảnh cùng tôi.
Bà Ma Seim (67 tuổi, người Uppriu) tỏ ra ngượng ngùng khi chụp ảnh cùng một cô gái Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu kỹ bản đồ, tôi quyết định chọn cung đường Yangon – Bagan – Pakkoku – Mindat. Tôi chọn nghỉ lại Bagan 3 ngày, để trải nghiệm cố đô huyền bí  xinh đẹp này trước khi bắt đầu một chặng đường khá hành xác với khung cảnh được cảnh báo là “không như mơ”.

Bà Daw Hang Pai (70 tuổi, người Uppriu) đang dùng miệng để vệ sinh bộ trang sức truyền thống của mình ở công đoạn cuối sau khi đã làm sạch.
Bà Daw Hang Pai (70 tuổi, người Uppriu) đang dùng miệng để vệ sinh bộ trang sức truyền thống của mình ở công đoạn cuối sau khi đã làm sạch.

Từ Bagan đi Pakkoku chỉ có gần 70km với khoảng 1 tiếng rưỡi, bạn có thể mua vé xe bus tại bến xe ở Nyang U với 10.000 Kyats (khoảng 170.000 VNĐ)/người. Hoặc thuê riêng một chuyến taxi của một công ty du lịch với giá 30.000 Kyats (khoảng 510.000VNĐ)/xe 4 chỗ. Sau khi đến Pakkoku thì bạn sẽ phải mua một vé xe bus địa phương để đến được Mindat với giá 16.000 Kyats (khoảng 272.000 VNĐ)/người. Quãng đường này chỉ dài khoảng 160km, nhưng thời gian di chuyển sẽ kéo dài từ 8 – 10 tiếng, bởi địa hình chủ yếu là đường đèo và chất lượng xe xuống cấp.

Mindat là một thị trấn nhỏ ở một vùng miền núi hẻo lánh và không có nhiều điện, khoảng 7, 8 giờ là bóng tối bao phủ khắp các con đường. Chỉ thấy vài ánh đèn nhỏ leo lét trong mỗi ngôi nhà tre nứa. Nhiệt độ ngày và đêm của Mindat chênh lệch rất nhiều, nắng gay gắt vào ban ngày và lạnh rét vào ban đêm. Có lẽ vì đi một chặng xe dài, và chưa quen với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột mà cơ thể tôi trở nên vô cùng mỏi mệt và rét run từng chập.

Gặp sự cố ngoài dự kiến

Tôi đã gặp một vấn đề ngoài dự kiến. Đó là khi ở Bagan tôi đã nhờ một Agency liên hệ giùm với một hướng dẫn viên người địa phương tại Mindat để ngày hôm sau anh ta đưa tôi đi gặp những người phụ nữ xăm mặt còn lại trong làng. Mọi thứ đều thống nhất xong xuôi. Thì ngày hôm sau anh chàng guide bỗng biến mất tăm không một lời nhắn. Tôi ngồi đợi đến nửa ngày, nhờ ông chủ homestay liên hệ giúp guide khác thì nhận được tin là “Toàn bộ guide ở khu vực này đã đi cùng với các đoàn leo núi Victoria hết rồi. Họ sẽ trở về sau 2 ngày”.

Bà Aung Seim (73 tuổi, người Uppriu) bên những đứa cháu của mình. Bà kể: “Khi những đứa cháu của tôi còn nhỏ, chúng thường oà khóc và không chịu cho tôi bồng bế khi trông thấy gương mặt của tôi. Nhưng giờ thì chúng đã quen rồi và rất quấn quýt với tôi”.
Bà Aung Seim (73 tuổi, người Uppriu) bên những đứa cháu của mình. Bà kể: “Khi những đứa cháu của tôi còn nhỏ, chúng thường oà khóc và không chịu cho tôi bồng bế khi trông thấy gương mặt của tôi. Nhưng giờ thì chúng đã quen rồi và rất quấn quýt với tôi”.

Tôi chợt nghĩ đến những thông tin review tôi đọc được từ blog của một vài bạn tây balo “bạn đừng nghĩ bạn sẽ được chào đón tại đây khi không đi cùng một hướng dẫn viên người địa phương”, “những người ở đây không ai biết tiếng anh, bởi vậy nếu không có hướng dẫn viên đi cùng bạn sẽ không thể giao tiếp được với họ”,… Nản lòng, hoang mang và thất vọng nhưng tôi tự nhủ “đến đây rồi thì không thể bỏ cuộc được”, rồi hít một hơi thật sâu, lục tìm một vài gói kẹo dẻo đổ đầy ba lô rồi đi vào trong làng để bắt đầu hành trình khám phá.

Bà Yaw Shen được một du khách cho xem tấm ảnh nổi tiếng của bà trên thế giới, qua một chiếc điện thoại.
Bà Yaw Shen được một du khách cho xem tấm ảnh nổi tiếng của bà trên thế giới, qua một chiếc điện thoại.

Ngay thời điểm đó tôi vẫn thật sự hoang mang với hàng ngàn câu hỏi: “làm sao để gặp được những người phụ nữ xăm mặt?”, “làm sao để biết nhà nào có người phụ nữ xăm mặt mà vào?”, “rồi làm sao để được họ chào đón?”,…  Thế nhưng chưa kịp hoang mang xong thì tôi bắt đầu nhìn thấy những người phụ nữ với những gương mặt khác biệt ấy. Họ xuất hiện trước mắt tôi, rất gần, rất tự nhiên với công việc thường ngày: Một người phụ nữ Uppriu có khuôn mặt chi chít hình xăm các chấm tròn đang ngồi trước nhà rửa đống trang sức truyền thống bằng miệng; một người phụ nữ M’uun với hình xăm chấm kín khuôn mặt và những hàng dọc trên cằm trên miệng còn ngậm một tẩu thuốc đang xách giỏ đi chợ; 2 người phụ nữ M’kaan với các hình xăm vòng theo hình chữ D móc nối với nhau ở 2 bên má đang ngồi nói chuyện với nhau trước cửa nhà;…

tộc người Uppriu có khuôn mặt chi chít các chấm tròn và biến thành màu đen hoặc màu tro khác hẳn màu da như mang mặt nạ.
tộc người Uppriu có khuôn mặt chi chít các chấm tròn và biến thành màu đen hoặc màu tro khác hẳn màu da như mang mặt nạ.

Gặp mỗi người tôi lại vội bốc một ít kẹo trong túi rồi chạy đến cúi gập người chào họ với câu chào Myanmar phổ thông, rồi tặng kẹo cho họ. Những người phụ nữ có vẻ rất vui, họ nhanh chóng nở nụ cười tươi với tôi và nắm chặt tay tôi giật mạnh xuống vài lần, rồi nói gì đó, tôi đoán đó là cách họ cảm ơn. Và tôi đã bắt đầu khám phá họ như vậy. Lễ phép chào hỏi, biếu một chút quà nhỏ và sau đó tìm cách để được tiếp xúc và quan sát họ lâu hơn. Có lẽ chính sự thân thiện và có vẻ thích thú, ngơ ngác của tôi đã khiến họ luôn vui vẻ đón tiếp tôi. Ngày đầu tiên của tôi đã bắt đầu như vậy, chủ yếu là quan sát và cảm nhận.

Người M’uun khác biệt nhất với các hình xăm vòng theo hình chữ D móc nối với nhau ở 2 bên má, cùng biểu tượng chữ Y trên trán.
Người M’uun khác biệt nhất với các hình xăm vòng theo hình chữ D móc nối với nhau ở 2 bên má, cùng biểu tượng chữ Y trên trán.

Câu chuyện về bà Daw Yaw Shen Ying

Điểm cuối hành trình của tôi chính là bà Daw Yaw Shen Ying (90 tuổi, người M’kaan), bà chính là người phụ nữ cuối cùng biết thổi sáo bằng mũi nổi tiếng khắp thế giới. Nhờ điều này bà đã trở thành biểu tượng cho cộng đồng những người phụ nữ xăm mặt ở tỉnh Chin và được mệnh danh là “di sản” của thế giới.

Bà Yaw Shen cho biết bà rất yêu đôi hoa tai truyền thống của mình. Vì vậy bà cũng rất buồn vì bây giờ không còn một nơi nào làm ra loại hoa tai như của bà nữa. Đôi hoa tai bà có chính là một trong những đôi bông tai cuối cùng còn lại của thế hệ trước và bà luôn cất giữ nó như một đồ vật quý giá.
Bà Yaw Shen cho biết bà rất yêu đôi hoa tai truyền thống của mình. Vì vậy bà cũng rất buồn vì bây giờ không còn một nơi nào làm ra loại hoa tai như của bà nữa. Đôi hoa tai bà có chính là một trong những đôi bông tai cuối cùng còn lại của thế hệ trước và bà luôn cất giữ nó như một đồ vật quý giá.

Tôi luôn cảm thấy mỗi hành trình của mình đều là một khoảnh khắc kỳ diệu trong đời khi đã cho tôi được chạm, được thấy, được cảm nhận những huyền thoại mà trước đó tôi mới chỉ được thấy qua màn hình tivi hay máy tính.

Sau vài lần lấy hơi thất bại thì tiếng sáo ấy cũng ngân lên, da diết. Thật kỳ diệu, những âm sáo được phát ra từ mũi của một người phụ nữ 90 tuổi. Tôi bấm nút cho camera chạy tự động, vội vàng bấm nhanh vài tấm hình, rồi buông tay, nín lặng, để tập trung cảm nhận từng thanh âm lúc ấy. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần mình nhìn thấy hình ảnh của bà trên các trang tin quốc tế, đã bao lần tôi nhìn và mơ ước được một lần đến đây, ngồi đây ngắm nhìn một huyền thoại ngay trước mắt và cảm nhận tiếng sáo ấy.

Chin women10

Người con rể của bà cho biết từ hai năm nay bà đã không thể tự đi lại được nữa, việc lấy hơi để thổi cực trở nên khó khăn rất nhiều. Nhưng có một thói quen chưa bao giờ thay đổi, đó là trước khi bắt đầu diễn một màn thổi sáo bằng mũi, bà Yaw Shen luôn cố gắng mang đầy đủ đồ trang sức và bộ quần áo đẹp nhất. Bởi niềm vui của bà là mỗi khi có du khách ghé thăm, bà lại được khoác lên mình những thứ trang sức cổ xưa đã gắn bó cả cuộc đời với bà. Bà rất yêu chúng và buồn vì giờ đây không còn ai làm ra những loại trang sức ấy nữa.

Tôi thấy mình may mắn, bởi tôi nghĩ nếu không phải bây giờ thì tôi không chắc còn cơ hội được gặp người đàn bà “di sản” này, không chắc mình còn được nghe tiếng sáo này nữa. Cũng rất tình cờ khi gặp được anh con rể của bà Yaw Shen, anh nói tiếng anh rất tốt, vì thế mà sau đó tôi nhờ được anh dắt đi thăm một vài gia đình còn những người phụ nữ “mặt hổ” cuối cùng và được nghe những câu chuyện về họ.

Trước khi bắt đầu diễn một màn thổi sáo bằng mũi, bà Yaw Shen luôn cố gắng mang đầy đủ đồ trang sức và bộ quần áo đẹp nhất. Bà cũng cho biết niềm vui của bà là mỗi khi có du khách ghé thăm, bà lại được khoác lên mình những thứ trang sức cổ xưa, đã gắn bó cả cuộc đời với bà.
Trước khi bắt đầu diễn một màn thổi sáo bằng mũi, bà Yaw Shen luôn cố gắng mang đầy đủ đồ trang sức và bộ quần áo đẹp nhất. Bà cũng cho biết niềm vui của bà là mỗi khi có du khách ghé thăm, bà lại được khoác lên mình những thứ trang sức cổ xưa, đã gắn bó cả cuộc đời với bà.

Anh nói với tôi rằng, tập tục xăm mặt này bắt nguồn từ một câu chuyện rất xưa, anh kể khi xưa một vị vua tàn ác thường bắt những cô gái Chin trong làng về làm nô lệ và tì thiếp. Từ đó, các gia đình người Chin nghĩ ra cách xăm lên mặt con gái họ để không còn bị bắt cóc. Nhưng qua nhiều năm, việc xăm lên mặt các cô gái dần trở thành một truyền thống, một nét văn hoá của người Chin chúng tôi. Và những hình xăm trên khuôn mặt bắt đầu trở thành một vẻ đẹp trong quan niệm của mọi người. Ngày xưa chúng tôi quan niệm những cô gái càng có nhiều hình xăm trên mặt thì càng đẹp và dũng cảm. Truyền thống này bắt nguồn từ thế kỷ 11 và đã bị chính phủ bắt xoá bỏ từ năm 1960, bởi vậy giờ chỉ còn rất ít những người phụ nữ còn hình xăm trên mặt, và đều là người đã lớn tuổi. Có lẽ, đó là những người cuối cùng”.

cover for blog

MAI HƯƠNG

p/s: Mình sẽ up full bộ ảnh và câu chuyện về từng người phụ nữ sau vài tuần nữa, khi phóng sự ảnh của mình lên báo nhé.

Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply