Tôi vô tình gặp ông vào một buổi tối lang thang ở cổng Thaphae, Chiang Mai. Một người đàn ông nhỏ bé trên chiếc xe đạp 3 bánh, bộ râu gần như chiếm nửa khuôn mặt cũng không che đi được đôi mắt sáng và nụ cười dễ mến. Quay qua nhìn tôi, ông nói bằng tiếng Việt lơ lớ “ôm tôi cái coi”. Không chút ngần ngại tôi vòng tay ôm lấy ông. Ông dang tay như thể đón một người quen lâu ngày gặp lại.
Quá khứ buồn của Luciano
Những người từng đến Chiang Mai (Thái Lan) chắc hẳn đã 1 lần gặp hoặc ôm ông ở cổng Thaphae. Ông đã luôn ở đó… Người đàn ông đó là Luciano Pozzi, 56 tuổi. Câu chuyện về Luciano có lẽ là một câu chuyện dài với phần lớn cuộc đời sống ẩn dật tách biệt với thế giới và xa lánh con người.
Luciano sinh ra ở Medona, nước Ý. Từ khi còn là một đứa trẻ đến khi trưởng thành ông đã luôn chịu nhiều tổn thương từ những mối quan hệ xung quanh: “Tôi chưa từng có một gia đình hạnh phúc và thường bị bỏ rơi, vì thế tôi thích được ở một mình” – ông chia sẻ.
Năm 30 tuổi, ông bán nhà ở Ý và đến sống ẩn dật ở một vùng núi tuyết trên dãy Himalaya, Ấn Độ. Tôi ngạc nhiên khi biết ông đã sống một mình ở đó suốt 17 năm. Ông khẳng định “Khi đó tôi vẫn không thích tiếp xúc với mọi người, tôi không muốn nói chuyện với bất kỳ ai và tôi chỉ muốn được ở một mình trong thế giới của riêng tôi”.
Những tưởng cuộc sống của ông cứ thế lặng lẽ trôi đến hết đời. Thế rồi một tai họa đã ập đến, đó là một tai nạn xe máy nghiêm trọng ở Ấn Độ vào 7 năm trước và đã khiến 2 chân ông bị liệt hoàn toàn. Ông quay trở lại Ý để điều trị. Nhưng bác sĩ quả quyết ông chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn đến cuối đời. “Tôi đã không tin vào điều đó và tôi muốn tiếp tục đi lại bằng đôi chân của mình”, ông nhớ lại.
Bằng mọi cách, Luciano tìm hiểu và thấy Thái Lan là niềm hy vọng mới cho đôi chân của ông, một phần cũng bởi phí điều trị ở Thái Lan phù hợp với khả năng chi trả của ông. Luciano quyết định đến Chiang Mai để điều trị theo phương pháp Mungkala (một liệu pháp châm cứu cổ truyền của Thái Lan). “Tình hình dần được cải thiện. Ban đầu tôi phải di chuyển với 2 cái nạng, sau đó tôi chỉ cần dùng 1 cái. Và giờ tôi có chiếc xe đạp 3 bánh này. Tôi đã có thể đứng được một chút, và cũng đạp xe được 1 chút. Tôi đã thấy tốt hơn rất nhiều” – ông cười.
Nhưng Luciano vẫn vậy, vẫn xa lánh mọi người và không thích tiếp xúc với ai. Cho đến một ngày…
Điều “kỳ diệu” đã đến
Đó là một ngày trước thềm năm mới cách đây vài năm, Luciano tình cờ gặp một người đàn ông người Anh tại cổng Thaphae (Chiang Mai, Thái Lan) trên đường đến Mungkala. Người đàn ông này đã cùng gia đình và bạn bè tổ chức FREE HUGS. Anh ta thấy Luciano chỉ có một mình nên đã mời Luciano tham gia cùng. “Tôi đã cố gắng giải thích cho anh ta hiểu rằng tôi không thích tiếp xúc với nhiều người, tôi chỉ muốn được ở một mình” – Luciano nhớ lại.
Nhưng anh ấy vẫn không chịu bỏ Luciano một mình, bằng mọi cách anh ấy đã cố gắng thuyết phục “Chúng tôi sẽ làm cho anh không còn cảm thấy muốn ở một mình nữa”. Thế rồi từng người một đã trao cho Luciano những cái ôm ấm áp. “Kể từ đó cuộc sống của tôi đã thay đổi. Vào đêm Giáng sinh năm đó tôi đã có một quyết định đáng kinh ngạc, tôi quyết định sẽ ôm tất cả mọi người – những người cũng muốn cho đi cái ôm của họ và nhận lại nụ cười”. Và chương trình FREE HUGS mang tên ông bắt đầu từ đó.
Hàng ngày, từ 9 giờ sáng, ông đều ra cổng Thapae để đứng chờ những cái ôm. Điều đó lặp lại đều đặn mỗi ngày. Kể từ đó Luciano đã cười nhiều hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn và ông cũng có nhiều bạn bè hơn qua FREE HUGS. Thậm chí một số người đã trở lại Chiang Mai với một món quà nho nhỏ. “Một anh chàng Nhật Bản mang đến tặng tôi một lọ dầu và xoa xoa lên tay của tôi, một cô gái khác mang tặng tôi pho mát và bánh quy giòn từ Ý…”, ông nhớ lại.
Tôi hỏi Luciano “Có ai từng từ chối FREE HUGS từ ông chưa?” và ông nói: “Có, cô biết đây, tôi chỉ là một người đàn ông vô gia cư. Vậy nên không phải ai cũng sẵn lòng đến và ôm tôi. Từng có một người phụ nữ Ý dứt khoát từ chối. Lúc đầu tôi dang tay ra, cô ấy nói: ‘Không, không, không, tôi không muốn’. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nói với cô ấy ‘Come on, come on!’. Thế là cô ấy miễn cưỡng ôm lấy tôi và những ngày sau đó, cô ấy đã gửi cho tôi hình ảnh về cái ôm của chúng tôi. Một thời gian lâu sau, cô ấy trở lại đây và sẵn sàng dang tay tặng cho tôi một cái ôm ấm áp thật sự”.
“Đôi khi tôi cũng gặp những cái ôm miễn cưỡng, nó cứng ngắc, căng thẳng và hời hợt.Tuy nhiên, đa phần những cái ôm mà tôi nhận được là những cái ôm ấm áp mà trước đây tôi chưa bao giờ nhận được từ gia đình tôi hay con trai của tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi tìm thấy một điều gì đó thật sự ý nghĩa. Mỗi ngày tôi trao đi những cái ôm và nhận lại những nụ cười”, ông nói với một nụ cười ấm áp. “Những cái ôm FREE HUGS thật sự tốt đẹp và đã thay đổi cuộc sống của tôi”.
…
Đôi khi nghĩ về câu chuyện của Luciano, tôi tự hỏi “Nếu như ngày ấy ông không gặp tai nạn ở Ấn Độ thì liệu cuộc sống của ông có thay đổi hay ông vẫn tiếp tục những ngày sống lặng lẽ một mình ở một vùng đất xa lạ đến hết đời và rồi chết mòn bởi sự dằn vặt, khổ đau trong quá khứ?”
Cuộc đời đôi khi đem đến những điều mà chúng ta ngỡ như tai họa. Nhưng bạn biết đấy, cây sồi chỉ trở nên mạnh mẽ trong gió ngược và kim cương chỉ hình thành dưới áp lực.
Mỗi một vùng đất mới, hành trình mới lại cho tôi gặp gỡ thêm những người thú vị. Tôi học được cách quan sát, lắng nghe và giữ lại cho mình thật nhiều câu chuyện, nhiều bài học hay ho về cuộc sống. Và tôi hiểu ra rằng, thế giới ngoài kia còn nhiều điều “đẹp” lắm.
Mai Hương | Wanderlust Tips | Cinet
Người đàn ông vô gia cư và những cái ôm FREE HUGS