Trong suốt 3 ngày lang thang khắp Ziro cùng Michi Tajo, chúng tôi đã được khám phá rất nhiều nét ngóc nghách văn hóa của người Apatani cổ đại và điều thú vị nhất là được nghe những câu chuyện huyền thoại từ chính những người Apatani cổ kể lại.
1, Chiến tranh vì phụ nữ
Mọi người kể lại rằng, thuở xưa ấy, Apatani là tộc người sản sinh ra rất nhiều phụ nữ đẹp. Nhưng chính vẻ đẹp ấy của họ đã dấy lên sự thèm khát của những người đàn ông ở các bộ lạc lân cận. Đã có rất nhiều thiếu nữ Apatani tuổi từ 13 – 20 liên tục bị bắt đi trong những cuộc giao tranh khốc liệt và không bao giờ còn cơ hội trở về. Thương không? thương chứ, mới tí tuổi đầu nứt mắt ra đã bị bắt đi làm vợ người ta rồi.
Chính nỗi đau mất phụ nữ và lòng tự trọng khiến đàn ông Apatani phải lao vào cuộc chiến. Tuy nhiên, dù có anh dũng đến mấy, họ cũng không thể nào chống trả lại được hết những bộ tộc khác sống quanh dãy Himalaya trong cuộc chiến bảo vệ những người phụ nữ của bộ tộc. Những cuộc chiến triền miên ấy đã lấy đi không ít đàn ông mạnh khỏe và những cô gái trẻ đẹp của bộ tộc Apatani.
Và để ngăn chặn điều này tiếp tục xảy ra, các già làng trong bộ tộc Apatani đã đề xuất mỗi cô gái trẻ từ 8 hoặc 10 tuổi trở lên buộc phải nong mũi cho to ra và xăm mặt để từ bỏ vẻ đẹp của chính mình. Sự hy sinh này là cần thiết để giảm bớt đau thương và chiến tranh triền miên giữa các bộ lạc. Dần dần, người phụ nữ Apatani nào cũng trở nên xấu xí với hai lỗ mũi “khủng” dị dạng và khuôn mặt loang lổ mực xăm. Rồi qua một vài thế hệ thì khuôn mặt ấy lại trở thành tiêu chuẩn cho vẻ đẹp của riêng bộ tộc Apatani. Những cô gái không có hai nút lớn trên mũi thậm chí còn bị đánh giá là xấu xí, kém hấp dẫn và có nguy cơ đối diện với việc… ế chồng.
Tự dưng tôi thấy may mắn vì mình được sinh ra vào thời hiện đại, tại tôi thấy phụ nữ thời xưa có nhan sắc mà khổ ghê, kiểu “hồng nhan bạc mệnh” ấy, chứ phụ nữ thời nay có nhan sắc là “hồng nhan bạc tỉ” rồi. Mặc dù 30 năm cuộc đời tui chưa từng kiếm được xèng từ cái bản mặt của mình. Nhưng tui nghĩ nhan sắc cỡ tui mà sinh ra vào thời chiến thì kiểu gì chẳng bị bắt, kiểu gì chẳng làm nên mấy cuộc giao tranh khốc liệt giữa các bộ tộc. Ô mô! tự nhiên nghĩ mà sợ hãi quá! Sợ quá nên phải bốc ngay mấy viên kẹo người ta mang mời khách rồi “táp” lẹ cho bớt sợ nè!
2. Quá trình khoét mũi và xăm mặt
Tất cả những người phụ nữ Apatani nhiều tuổi trong làng đều không nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi, nhưng họ đều khẳng định chắc chắn rằng năm lên 8 – 10 tuổi, họ chính thức được gia đình khoét mũi. Và sau một thời gian ngắn, những thiếu nữ này lại được mẹ của mình thay cho một miếng tre lớn hơn vào chỗ bị khoét, khiến chiếc mũi xinh đẹp dần biến dạng. Mãi đến khi miếng tre trên mũi to bằng đồng xu thì sẽ được thay thế bằng miếng gỗ mây để tồn tại cho đến cuối đời. Cứ mỗi lần vào bếp, phụ nữ Apatani phải đưa tay quẹt nhọ nồi rồi thoa đều lên thớ gỗ mây để nó trở nên bóng nhẵn và nổi bật trên chiếc mũi to bè – như một niềm tự hào của họ.
Nhưng vì sợ khoét mũi không vẫn chưa đủ xấu nên họ còn phải tiếp tục trải qua thời khắc đau đớn khác là xăm mặt với 5-6 đường xăm dài từ trán xuống tận cằm. Thuốc xăm được làm bằng cây rừng và dụng cụ xăm là một cây kim sắt được thợ rèn trong làng luyện nên. Tôi nhớ một người phụ nữ Apatani từng bảo rằng “Khi trải qua hết những đau đớn ấy, chúng tôi mới thật sự hạnh phúc và tự hào bởi chiếc mũi và hình xăm trên khuôn mặt mình”.
3. Rũ bỏ đớn đau, tiến ra thế giới.
Nhưng tất cả những điều đó đã trở thành quá khứ. Kể từ năm 1975 khi sự hội nhập bắt đầu len lỏi vào thung lũng Ziro, kéo cộng đồng người Apatani về gần với cuộc sống vốn được xem là “văn minh” ở các đô thị lớn của Ấn Độ. Lúc ấy, những chiếc mũi to bè có hai thớ gỗ đen bóng trên khuôn mặt người phụ nữ vô tình trở thành vật cản cho công cuộc hội nhập của cộng đồng người Apatani.
“Những người thành phố gọi chúng tôi là “bọn người rừng” và chúng tôi trở thành trò cười của họ với cái nhìn dè bỉu. Chính điều này đã khiến các tộc trưởng Apatani quyết định không tiếp tục khoét mũi, xăm mặt cho con cái trong làng mình nữa. Dù sao chiến tranh cũng đã chấm dứt từ lâu rồi mà.”– một người phụ nữ Apatani nói với chúng tôi như vậy.
Những người phụ nữ Apatani trẻ bây giờ đã năng động, xinh đẹp và hội nhập như bao cô gái hiện đại bình thường khác. Khi vẻ đẹp khoét mũi, xăm mặt không còn “hợp thời” thì cũng là lúc những người phụ nữ già nua chấp nhận cuộc sống cô đơn, quanh quẩn trong những ngôi làng xưa cũ ở thung lũng Ziro.
Có một điều khiến tôi cảm thấy khá chạnh lòng khi ghé thăm những người phụ nữ Apatani cổ góa chồng ở các ngôi làng cũ. Từ ngày chồng mất, hầu như họ đều chỉ sống co ro một mình trong những căn nhà tre đầy bóng tối. Bởi những người trẻ hầu như đã từ bỏ những ngôi làng xưa cũ để hội nhập hơn với cuộc sống văn minh và sôi động ở các thành phố phát triển hơn.
Hôm chúng tôi đến nhà bà Ruliing ở làng Tajang, bà bảo rằng đã hơn hai tháng rồi mới có người ghé thăm. Từ ngày chồng mất bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khoét mũi khác sống một mình trong căn nhà tre đầy bóng tối. Thời tiết lạnh dần khi những tia nắng cuối ngày sắp khuất dần sau chân núi. Tự tìm pha cho mình một cốc rượu uống chống lạnh, bà Ruliing nói rằng con cái bà đã chuyển hết ra thị trấn Hapoli và thành phố Itanagar sống từ lâu. Đó là một cuộc sống sôi động nơi phố thị chứ không ẩn dật và buồn tẻ như trong những ngôi làng cũ.
4. Lời kết
Theo tài liệu thống kê mà Michi Tajo cung cấp cho chúng tôi, hiện ở thung lũng Ziro chỉ còn hơn 900 phụ nữ Apatani cổ lớn tuổi vẫn còn theo tục xăm mặt, khoét mũi. Đây cũng chính là những phụ nữ cuối cùng sở hữu những “chiếc mũi kỳ dị nhất trên thế giới”.
Rồi chỉ vài năm nữa thôi, những người phụ nữ già nua với chiếc mũi kỳ lạ ấy sẽ dần khuất núi. Và mọi thứ sẽ chỉ còn lại trong tranh ảnh và những thước phim. Tôi thấy mình may mắn vì ít ra một lần trong đời cũng đã được đặt chân đến đây để tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào những huyền thoại này.
Bài này hơi dài, nhưng vẫn hy vọng mọi người sẽ kiên nhẫn đọc hết. Vì nó mang giá trị về văn hóa và lịch sử của một bộ tộc với những nét văn hóa cổ đại sắp biến mất trên thế giới. ^^