Blog, Nepal

🇳🇵Hành trình Nepal (Chap 4): Tôi đã gặp một “thiên thần”…

4.1

(cứ đọc rồi sẽ hiểu vì sao tui up ảnh này).
 
✅ Sân bay Kathmandu (Nepal), 01/3/2016.
.
Tôi gặp rắc rối ở sân bay Kathmandu và câu chuyện về anh cảnh sát… thiên thần của tôi!
.
Mọi thứ dường như vẫn đang chống lại tôi. Mới ngày đầu tiên đến Nepal mà ở đâu ra mấy cái sự cố củ chuối cứ táp bôm bốp zô mặt. Ngơ ngác luôn! 😳

– – – – – – – – – – – –
Sau hơn 6 tiếng bay từ Kuala Lumpur đến Kathmandu, tôi lết vào sân bay Kathmandu như một con zombie đang khát nước. Vô trong, tôi hỏi một anh cảnh sát ở đó điểm rút tiền ATM.
.
(tôi không mang tiền mặt trong người mà mở thẻ visa để rút tiền ở booth ATM tại nước ngoài, sau này mới biết rút như vậy phí cực cao. Và tôi đã mất toi hơn 3 triệu cho… phí rút gần 25 triệu tiền mặt…Thặc ngu ngốc!).
.
Anh cảnh sát đẹp trai với gương mặt nhỏ nhắn và đôi mắt sáng, chỉ cho tôi hướng đi đến cây ATM trong sân bay. Tôi cảm ơn rồi đi luôn, nhưng vừa đi được vài bước thì bỗng anh chạy theo tôi và hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ hơn. Trời, người gì đâu mà vừa đẹp trai, vừa nhiệt tình. Huhu…
.
Nhưng… máy ATM ở đây có vấn đề!
.
Tôi đã cố gắng nhưng không rút được tiền. Ngay bây giờ tôi cần 40usd để đóng lệ phí visa nhập cảnh Nepal cho 30 ngày. Vì thất thoát mớ tiền cho tàu điện & ăn uống ở Malay nên ví tôi hiện tại chỉ còn đúng 20usd tiền mặt. Wifi ở sân bay quá yếu để tôi có thể nhắn cho Bishnu – người tôi biết duy nhất ở Nepal, cũng là founder của công ty trekking tôi đặt tour trek E.B.C đó.
.
Cảm giác lạc lõng và mất phương hướng như lúc ở sân bay Kuala Lumpur lại quay trở lại, bủa vây lấy tôi. Tôi tìm một góc khuất ở sân bay rồi ngồi sụp xuống và cố gắng tìm cách gửi tin nhắn cho Bishnu. Nhưng vô vọng, tin nhắn không thành công.
.
Bỗng, anh cảnh sát khi nãy đi đến đứng trước mặt tôi và hỏi “Có chuyện gì vậy?”. Ơ cứ như thể nãy giờ a vẫn theo dõi hành động của tôi vậy 😳. Bộ tui giống kẻ tình nghi nào hở?
.
Tôi nói với anh rằng booth ATM ở đây bị lỗi, tôi không rút được tiền. Anh nói “Chờ tôi 15 phút để tôi đi kiểm tra”. 10 phút sau anh trở lại nói “Đi theo tôi!” rồi anh dắt tôi quay lại máy ATM đó, anh nói “Mọi người đã rút được tiền rồi, bạn thử lại xem!”.
.
Tôi thử lại và vẫn… báo lỗi! Anh lại dắt tôi đến quầy thu lệ phí visa và hỏi họ “có cho quẹt thẻ visa ATM thanh toán không?”. Họ nói “có thể”. Tôi đang mừng rỡ, thì họ trả lại thẻ cho tôi và nói: “Thẻ của bạn không thanh toán được!”.
.
Ơ…
.
Tôi thở hắt một cái vẻ tuyệt vọng. Anh cảnh sát nhìn tôi thương cảm rồi tiếp tục nói: “Đi theo tôi!”.
.
Rồi anh dắt tôi vô một căn phòng nhỏ kín đáo, có những người đàn ông lớn tuổi mặc cảnh phục, mang vẻ mặt đầy nghiêm nghị.
.
Tôi nhìn anh thì có vẻ anh đang trình bày lại với họ trường hợp của tôi bằng tiếng Nepal. Mấy người đàn ông yêu cầu kiểm tra vé máy bay và hộ chiếu của tôi. Sau đó họ yêu cầu tôi để lại vé bay, hộ chiếu và hành lý ở lại phòng. Thứ duy nhất họ đưa lại cho tôi là chiếc thẻ ATM, và nói tôi đi sát theo anh cảnh sát để ra ngoài rút tiền.
.
Anh cảnh sát lại dắt tôi đi ra ngoài lọt qua mấy vòng soi chiếu an ninh. Lúc này tôi mới hiểu ra là anh mới xin hải quan sân bay để đưa tôi ra ngoài sân bay rút tiền ở một cây ATM bên ngoài.
.
Tim tôi đập liên hồi khi đưa thẻ ATM vào máy… giây phút đó tôi chỉ hy vọng mọi thứ sẽ ổn! Phiền quá rồi!
.
Thế nhưng…
.
Máy vẫn báo lỗi!
.
Anh quay ra lắc đầu nhìn tôi đầy thông cảm. Còn tôi thì cảm giác vô cùng ái ngại và nặng nề trong lòng. Tôi nuốt nước bọt và nói “Cảm ơn rất nhiều!”. Chúng tôi quay lại sân bay.
.
Anh cảnh sát tiếp tục giải thích cho mấy người đàn ông nghiêm nghị trong phòng kín hiểu mọi chuyện. Mấy ông tiếp tục bàn qua bàn lại, sau đó một ông quay ra hỏi tôi: “Cô có quen ai ở Nepal không? Cô sẽ ở khách sạn nào?”.
.
Tôi mở điện thoại lục tìm thông tin của Binush. Họ lấy số, gọi cho Bishnu và nói về trường hợp của tôi. Bishnu đã đồng ý mang tiền đến bảo lãnh visa cho tôi. Ngồi đợi tầm 30 phút. Sau khi Bishnu điện thoại lại báo với họ là đã đến sân bay, anh cảnh sát tiếp tục đưa tôi đi qua vài vòng soi chiếu an ninh để ra ngoài gặp Bishnu.
.
Đang đi thì tay tôi vung lên trúng tai, loạng choạng thế nào cái bông tai bạc hình con bướm yêu thích nhất của tôi rớt cái “keng” xuống đất. Tôi vội cúi xuống đảo mắt tìm quanh nhưng không thấy. Đôi bông tai đó là một món đồ quan trọng của tôi.
.
Anh cảnh sát quay lại hỏi tôi “Có chuyện gì vậy?”. Tôi vội đứng lên, xua tay nói: “À, không có gì. Xin lỗi anh!”. Rồi vội chạy nhanh ra, vì tôi biết anh cũng vội và đã quá mệt vì con nhỏ rắc rối – là tôi rồi.
.
Nhưng… anh lại vẫn kiên nhẫn ở lại, ngồi xuống dò tìm đồ giúp tôi, dù anh chẳng biết tôi đánh rớt cái gì.
.
Tôi đi phăng phăng một đoạn chẳng thấy anh đâu nên chạy ngược lại tìm anh, thì thấy anh vội bước ra… tay cầm bông tai của tôi, mồ hôi lấm tấm trên trán. A mỉm cười đưa lại chiếc bông tai bé xíu cho tôi…!
.
Trời ơi giây phút ấy tim tôi rớt đâu mất một nhịp!
.
Không biết các bạn có tin không. Nhưng những gì tôi kể hoàn toàn là thật. Với tôi thì hành động này của một người xa lạ, lại là cảnh sát, và còn đang trong hoàn cảnh rắc rối, mệt mỏi như này thì thật sự vô cùng vô cùng đáng cảm kích!
.
Sau khi ra ngoài gặp được Bishnu, Bishnu vội chạy đến, đưa tôi cục tiền Nepal đóng lệ phí rồi trấn an tôi: “Đừng lo cô gái, không có vấn đề gì cả. Tôi sẽ đợi bạn ở đây!”. Tôi cảm ơn rồi vội chạy vào trong cùng anh cảnh sát.
.
Đến quầy đóng lệ phí visa, tôi đưa cục tiền Nepal của Bishnu ra.
.
Nhưng…
.
Họ từ chối nhận 😳. Khi đóng lệ phí visa, họ lại không nhận tiền Nepal mà chỉ nhận tiền đô. Trong bọc tiền Bishnu đưa tôi là một cục tiền Nepal và 30 đô. Nhưng anh cảnh sát không biết có tiền đô nên nói vội với tôi: “wait me here!!”, và quay người định chạy ra gặp Bishnu lấy thêm tiền. Nhưng tôi vội hét lên: “Anhhh, anh ơi. Đừng đi! Ở đây tôi có 20 đô rồi. Gom lại… Đủ, đủ anh ơi!!!”.
.
Anh cảnh sát hớt hải quay lại, vẻ mặt mừng rỡ, trán ướt mồ hôi. Xong xuôi, anh tiếp tục dắt tôi hoàn thành nốt các thủ tục còn lại.
.
Khi mọi thứ đã xong, tôi cảm ơn anh với ánh mắt chân thành nhất có thể. Sau đó xin chụp anh một tấm ảnh. Anh mỉm cười đồng ý. Nụ cười siêu hiền…. Tôi muốn lưu giữ lại hình ảnh của anh làm kỷ niệm.
.
Nhưng… chết tiệt! Lúc đó tôi chụp bằng điện thoại và dữ liệu điện thoại mất lâu rồi. Nếu khi đó tôi lấy máy ảnh ra chụp có lẽ tôi vẫn còn hình ảnh của anh. 😢
.
Khi ngồi gõ lại những dòng này sau 5 năm, tôi thấy đau lòng vật vã vì đã không giữ lại hình ảnh của anh. Tôi tệ quá!
.
Tôi chỉ biết trong nhật ký, tôi có ghi “Nhìn tấm thẻ anh cài trên ngực áo, tôi biết tên anh là Yadang Raojha”. Và giờ đây tôi chợt nghĩ, nếu có ngày quay lại Kathmandu, tôi sẽ viết một bức thư bằng tiếng Anh. Khi đến sân bay nhất định tôi sẽ hỏi khắp mọi người xem: “Anh cảnh sát Yadang Rajojha năm ấy giờ còn ở đây không?”, và tôi sẽ gửi lá thư ấy cho anh, nói hết ra sự cảm kích và ấn tượng tốt đẹp của mình dành cho anh của ngày hôm ấy. Không biết anh còn nhớ không…?
.
Khi ngồi viết lại những dòng này, trong lòng tôi bỗng dậy sóng, tôi muốn gặp lại anh cảnh sát Nepal năm ấy hơn bao giờ hết!
.
Nhưng thật khó tin là bao năm qua tôi đã quên béng những kỷ niệm này. Quên thật sự. Cho đến lúc này, khi tôi vừa đọc vừa type lại cuốn nhật ký năm xưa, tôi mới chợt nhớ lại và bật cười:
.
“Trời ơi… những chuyện như này mà mình suýt quên mất. Sao mình tệ đến vậy?”.
.
Năm đó nếu như tôi không chăm chỉ viết lại nhật ký như này, thì chắc những kỷ niệm đáng giá đến thế sẽ mãi mãi bị quên lãng…
.
Trước khi rời khỏi sân bay, tôi đã kịp tặng cho anh một con tem Việt Nam được ép sẵn plastic cẩn thận và nói “Tôi chỉ có món quà nhỏ này! Cảm ơn anh vì tất cả!”.
.
✅ Một khởi đầu rắc rối đã đem đến cho tôi một kỷ niệm thật dễ thương và đáng giá ❤️
.
Cuộc sống thật nhiều điều kì lạ, bất ngờ và… nhiệm màu. Phải không?
.
– – – – – – – – – – – – – – –
📸 Photo: Chiếc ảnh duy nhất tôi chụp chiếc bông tai ấy vào năm 2016.
Vì làm mất ảnh anh cảnh sát rồi nên đành up ảnh bông tai cho câu chuyện. ^^
4.1
Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply