🇳🇵 Nepal (chap 23): Rời khỏi Himalaya bằng trực thăng cứu hộ. Và “cuộc chiến” giữa bảo hiểm du lịch với trực thăng cứu hộ bắt đầu….
– – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – –
✅ 1. Anh Nam Ki bắt đầu “phản ứng” với độ cao.
Theo lịch trình ban đầu thì đáng lẽ hôm nay – sau khi trở về từ Everest Base Camp, vợ chồng anh Nam Ki sẽ tiếp tục nghỉ lại Gorakshep thêm một đêm, rồi hôm sau mới về lại Lobuche. Nhưng ở Gorakshep, cơ thể anh Nam Ki cũng bắt đầu “phản ứng” với độ cao nên anh cũng cần hạ độ cao luôn sau khi chinh phục được EBC.
Chiều hôm đó tôi gặp lại vợ chồng anh Nam Ki và Janak tại Lobuche. Anh Nam Ki môi đã thâm đen và nói với tôi: “Anh thấy may là đêm qua em chịu hạ độ cao, chứ đúng như Janak nói nếu em cố chấp ở lại có khi em không chịu nổi qua đêm. Vì tối qua lượng oxy ở Gorakshep xuống thấp, anh chưa sốc độ cao mà còn không thở nổi. Cả đêm đó ở Gorakshep anh khó thở tới mức không ngủ nổi mà phải ngồi thở cả đêm. Nằm là không thở được”.
Ra vậy, nên hôm sau, sau khi đặt chân được lên EBC thì vợ chồng anh Nam Ki quyết định không nghỉ ngơi tại Gorakshep 5128m thêm một đêm nào nữa, mà xuống luôn Lobuche 4910m để hạ độ cao.
– – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – –
✅ 2. Triệu chứng say độ cao quay trở lại với tôi tại Lobuche.
Và đúng như Janak nói, tôi chưa hề bình phục như tôi tưởng. Mới buổi sáng tôi còn thấy dường như mình đã bình phục nên điện thoại đòi Janak cho lên lại Gorakshep. Nhưng bắt đầu sau 5:00 chiều thì triệu chứng sốc độ cao lại quay trở lại với tôi tại Lobuche. Tuy nhiên không nghiêm trọng như hồi ở Gorakshep. Vì tôi chỉ hơi nôn nao, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu chứ chưa tới mức bị choáng váng, mất thăng bằng, nôn ói tè le như hồi ở Gorakshep.
Nghĩ lại tôi mới thấy việc Janak ngăn cản không cho tôi tiếp tục đi lại lên Gorakshep lần 2 là đúng đắn. Vì vào ban ngày (nhất là buổi sáng) – triệu chứng sốc độ cao hầu như không xuất hiện, nên người ta dễ bị ảo tưởng là cơ thể đã bình phục, nhưng đến chiều tối nó sẽ trở lại rõ ràng hơn.
– – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – –
✅ 3. Anh Nam Ki đề xuất dừng hành trình và gọi trực thăng cứu hộ.
Vợ chồng anh Nam Ki có vẻ xuống thể lực nhiều. Nên tối nay anh gọi tôi ra nói chuyện. Bảo tôi là: “Em có muốn tiếp tục đi lên Gokyo Lake như lịch trình ban đầu nữa không? Nó còn vất vả hơn đi lên EBC. Nếu em cũng đã thấy mệt và muốn dừng lại, thì anh tính giờ dùng bảo hiểm của anh để gọi trực thăng cứu hộ. Bảo hiểm của anh là bảo hiểm hạng Kim Cương của Úc. Nên có thể gọi được trực thăng cứu hộ”.
Thời điểm lúc anh Nam Ki đề xuất vụ trực thăng cứu hộ. Thật ra triệu chứng sốc độ cao lại đang hành hạ cơ thể làm tôi muốn ốm. Lúc đó tôi tự thấy bản thân cũng đã oải lắm rồi. Cảm giác chẳng còn chút sức lực nào. Ăn cũng không nổi nữa. Vì vậy, tôi quyết định đồng ý, dừng lại hành trình tại đây để cùng trở lại Kathmandu với vợ chồng anh bằng trực thăng cứu hộ.
Anh Nam Ki nhờ Janak liên hệ lại cho Bishnu kiểm tra vụ gọi trực thăng. Bishnu có phản hồi lại là trong 3 bảo hiểm du lịch, thì chỉ có bảo hiểm của anh Nam Ki là gọi được trực thăng cứu hộ. Anh Nam Ki có đề xuất tôi trả thêm cho anh 100 usd cho vụ đi trực thăng về và tôi đồng ý.
– – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – –
✅ 4. Trực thăng cứu hộ và bảo hiểm du lịch của tôi chửi nhau. 🤦🏻♀️
Chỉ là có 1 vấn đề rất khôi hài, rõ ràng là hồi đó đặt trực thăng cứu hộ từ bảo hiểm của anh Nam Ki. Nhưng sau này bên trực thăng cứu hộ lại đòi cả bảo hiểm của tôi thanh toán. Xong bảo hiểm của tôi không chịu.
Thế là 2 bên chửi nhau tè le hột me suốt cả tháng trời. Đến lúc tôi về Việt Nam thì cả bảo hiểm (tại VN) và trực thăng cứu hộ (tại Nepal) vẫn điện thoại cho tôi liên tục.
Bên trực thăng ở Nepal thì kêu ca là bảo hiểm không chịu thanh toán giờ tính sao? Bên bảo hiểm ở VN thì bảo ai cho tùy tiện gọi trực thăng cứu hộ như vậy…? 
Ơ nhưng rõ ràng hồi đó anh Nam Ki nói là trực thăng cứu hộ được gọi bằng bảo hiểm hạng Kim Cương của anh cơ mà. Nếu vậy thì bảo hiểm của anh Nam Ki sẽ thanh toán chứ sao giờ lại đòi cả bảo hiểm của tôi nhỉ? 😑
Nên giờ tôi vẫn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra mà lại loạn từ Nepal về Việt Nam như vậy. Chi phí mà trực thăng cứu hộ đòi tôi là 3000usd (tầm 70 triệu). 😳 Hết hồn con chồn thật sự!
Thật may là hồi ở Nepal bên bệnh viện và trực thăng cứu hộ không đòi giữ lại hộ chiếu của tôi. Nhờ vậy tôi vẫn có thể về nước. Chứ không giờ không biết tôi đang làm gì ở Nepal để trả cho họ 3000 usd kia. 🤦🏻♀️
– – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – — – – – – – – – – – – – – –
✅ 5. Nhập viện; gặp lại Bishnu “dam dang”.
Sau khi trực thăng cứu hộ đáp xuống, xe cấp cứu Nepal hú còi ầm ĩ và cáng thương được đưa ra, họ bưng luôn tôi lên cáng để chuyển lên xe cấp cứu đưa tới bệnh viện. Làm tôi tưởng tôi sắp die tới nơi. 😳
Thật sự từ lúc rời Himalaya từ trực thăng là cơ thể tôi bình phục nhanh chóng rồi. Tôi thấy vụ xe cứu thương hơi lố với mình vì tôi chưa đến mức nguy kịch hay gì. Bishnu cũng xuất hiện và cùng lên xe cứu thương với tôi. Tôi muốn ngồi mà họ cứ bắt tôi nằm.
À mà lạ cái nữa là tự dưng có 2 xe cứu thương của 2 bệnh viện khác nhau cùng tới. Một xe chở tôi đi. Một xe chở vợ chồng anh Nam Ki đi đến bệnh viện khác.
Suốt 10 ngày không tắm gội nên giờ người và tóc tai tôi cực kỳ khủng khiếp. Nếu ở Himalaya thì vẫn ổn, vì không khí sạch và lạnh nên tôi không bị ra mồ hôi và tôi được đội mũ len 24/24, không ai biết tóc tui bết thế nào.
Nhưng ở Kathmandu thì khác. Trời ơi, cái xứ vừa nóng, vừa ô nhiễm, bụi bặm. Thêm cái “bo đì” 10 ngày chưa tắm gội của tôi hòa quyện vô. Thật khủng khiếp!
Tôi lấy mũ lưỡi chai chụp lên mặt vì không muốn ai nhìn thấy mặt mình lúc này. Nhưng Bishnu cứ đòi lật mũ lên để nhìn mặt tôi. Tôi bảo “Khônggg, trông tôi bây giờ gớm lắm!”. Bishnu bẹo má tôi nói “không sao đâu cô gái!”, rồi buông nụ cười và ánh mắt lả lơi…
Hic, chết mất! 😑 May mà chưa có tiết mục “cắn môi” như hồi bữa!
Xe cứu thương đưa tôi vô một bệnh viện nhìn khá sang trọng và sạch sẽ. Tôi nghĩ ở Kathmandu thì bệnh viện này chắc cũng đứng top vì Kathmandu vẫn khá lạc hậu.
Sau khi làm xong thủ tục, tôi được đưa vô kiểm tra phản xạ các kiểu. Mặc dù giờ tôi đã ổn nhưng họ vẫn bắt tôi phải nhập viện.
Trời ơi, xin đừng bắt tôi nhập viện với cái cơ thể 10 ngày chưa tắm gội này chứ!!!! Cái mong muốn xa hoa nhất của tôi lúc này chỉ là được về lại khách sạn để tắm thôi màaaa.
Tôi cầu xin Bishnu đừng bắt tôi nhập viện mà hãy cho tôi về khách sạn tắm gội. Bishnu nhìn tôi bất lực nói: “Vấn đề là bạn trở về Kathmandu bằng trực thăng cứu hộ, điều đó nghĩa là thể trạng của bạn hiện phải nguy cấp lắm. Nên bạn phải nhập viện, chứ không thì bảo hiểm sẽ không thanh toán tiền cho trực thăng”.
Khônggg. Tôi không lường đến tình huống này. Và tôi đã vạ vật ở bệnh viện suốt hơn nửa ngày chẳng để làm gì.
Cuối cùng đến tối Bishnu cũng giúp tôi được thoát khỏi bệnh viện để trở về khách sạn. Tôi không phải thanh toán chi phí gì cho bệnh viện vì đã làm giấy tờ ủy thác cho bảo hiểm du lịch. May mắn là bệnh viện cũng trả lại hộ chiếu cho tôi ngay sau đó.
Còn vợ chồng anh Nam Ki thì đã nhập viện ở cái bệnh viện kia. Sau này nghe anh kể là bệnh viện anh vô là bệnh viện 5 sao. Nó như khách sạn. Nên anh vô tắm gội, nghỉ ngơi thoải mái luôn.
– – – – – – – – – – – – – –
✅ P/s: Chap trước mấy bạn hỏi thăm Jeff quá. Jeff sẽ được nhắc đến vào chap ngày mai (chap 24). Và xuất hiện nhiều từ chap 26 trở đi nhé.
Vì sau này mình gặp lại Jeff ở Kathmandu. Còn ở Himalaya thì mình không có cơ hội gặp lại Jeff thêm lần nào nữa. 🥲