My Newspaper Writing, Photos, Việt Nam

Tuổi Trẻ: Những người phụ nữ giữ hồn làng nghề truyền thống (Phóng sự ảnh)

jnkchse8

TT – Họ là những phụ nữ hiếm hoi còn lại ở các làng nghề truyền thống Việt.

Đó là nghệ nhân nổi tiếng nhất của làng gốm Thanh Hà, là người phụ nữ Cơ Tu nhiều tuổi nhất, còn theo đuổi nghề dệt đã truyền nghề cho biết bao thế hệ trong làng dệt Đhờ Rôồng, là người phụ nữ duy nhất còn theo nghề làm hoa giấy tại làng hoa giấy Thanh Tiên, hay là một trong những người phụ nữ hiếm hoi còn lại của làng nón Tây Hồ.

Dù già hay trẻ, họ đều là những người luôn mang trong mình lòng yêu nghề và cùng chung hi vọng giữ lại hồn cho làng nghề truyền thống Việt đang từng ngày bị mai một…

Nghề làm nước mắm thủ công

Làng nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) từng nổi tiếng một thời nhưng đã có lúc tưởng chừng bị mai một.

Từ mấy năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của chính quyền và các bậc cao niên làm nghề, thương hiệu nước mắm Nam Ô dần được khôi phục. Bà Nguyễn Thị Tửu, 82 năm tuổi đời, 67 năm tuổi nghề, là một trong những người có công đóng góp lớn trong việc khôi phục làng nghề.

Những phụ nữ giữ hồn làng nghề
Bà Nguyễn Thị Tửu, 82 năm tuổi đời, 67 năm tuổi nghề làm nước mắm thủ công là một trong những người có công đóng góp lớn trong việc khôi phục làng nghề.

Người phụ nữ dệt chiếu Cẩm Nê

Làng nghề dệt chiếu truyền thống lâu đời hàng trăm năm của Đà Nẵng nay gần như đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Giờ đây bà Phan Thị Đồ (76 tuổi, tổ 2, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) là người phụ nữ duy nhất vẫn còn theo nghề dệt chiếu.

Những phụ nữ giữ hồn làng nghề
Người phụ nữ dệt chiếu Cẩm Nê

Người làm hoa giấy Thanh Tiên

Người Huế coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Làng hoa giấy Thanh Tiên góp thêm màu sắc cho bàn thờ gia tiên của mọi gia đình. Ra đời gần 400 năm từ thời các chúa Nguyễn, nhưng gần đây người làng Thanh Tiên không mặn mà với nghề làm hoa giấy nữa, đứng trước nguy cơ bị mai một.

Cả làng chỉ còn lại không quá 10 hộ theo nghề này và chỉ có nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Cúc, 59 tuổi, là người phụ nữ duy nhất trong làng còn bám trụ với nghề.

Những phụ nữ giữ hồn làng nghề
Một học trò người Canada đang theo học nghề của bà Nguyễn Thị Kim Cúc

Giữ hồn làng gốm

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, làng gốm Thanh Hà một thuở nổi tiếng cả nước đã có lúc đi vào quên lãng. Những nghệ nhân trong làng cũng đã lần lượt khuất núi.

May mắn vẫn còn có nghệ nhân Nguyễn Thị Được (93 tuổi) ở làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) là một trong số ít những người theo nghề gốm truyền thống của cha ông từ thế kỷ 15. 93 năm tuổi đời, 83 năm tuổi nghề nên dù nghề gốm bây giờ không còn là “nghề hái ra tiền” nhưng đã gắn bó máu thịt, tự nhiên như hơi thở của cuộc đời bà.

Những phụ nữ giữ hồn làng nghề
Nghệ nhân Nguyễn Thị Được (93 tuổi) ở làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam)

Người truyền lửa ở làng dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng

Bà Briu Lờ (90 tuổi, người Cơ Tu, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam) là người phụ nữ cao tuổi nhất trong làng Đhờ Rôồng vẫn theo nghề dệt thổ cẩm. Bà luôn mong muốn truyền lại nghề truyền thống này cho thật nhiều con cháu mình ở thế hệ sau. Mảnh vải thổ cẩm trong đời sống của dân tộc Cơ Tu nơi đây rất quan trọng. Nó còn đóng vai trò là quà để người mẹ tặng cho con gái trong ngày con cưới chồng.

Những phụ nữ giữ hồn làng nghề
Bà Briu Lờ (90 tuổi, người Cơ Tu, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam) là người phụ nữ cao tuổi nhất trong làng Đhờ Rôồng vẫn theo nghề dệt thổ cẩm.

MAI HƯƠNG

Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply