Trong hành trình vô tiền khoáng hậu đó có bộ lạc Tsaatan ở cực Bắc Mông Cổ, giáp ranh biên giới Nga – một trong những bộ lạc tuần lộc cuối cùng trên thế giới.
4 ngày sống với bộ lạc “sắp biến mất”
“Đó là điểm đến vô cùng khó khăn nhưng đáng giá nhất trong tất cả những nơi tôi đã đi qua”, Hương nói. Ngay từ khi bắt đầu, nếu không nhẫn nại thì cô gái 9X này đã bỏ cuộc, bởi thông tin và kinh nghiệm cho hành trình tới bộ lạc Tsaatan hầu như không có trên mạng. Hương phải lần mò trong các nhóm du lịch Mông Cổ của người nước ngoài và các website du lịch của Tây ba lô. Từ đó lùng cho bằng được những nhân vật hiếm hoi đã từng đến Tsaatan để hỏi thông tin.
Đến Mông Cổ, từ thủ đô Ulaabaatar, Hương tiếp tục hành trình 700km bằng chuyến xe bus dài 18 tiếng sang Moroon. Sau đó phải săn một chuyến xe đến Saganuur dài 15 tiếng với chặng đường 300 km. Hương nhớ lại: “Chuyến xe kinh hoàng! Xe minivan 10 chỗ nhưng nhồi gần 20 người Mông Cổ to lớn cùng một mớ hàng hóa hỗn độn. Tôi giống như bị kẹt trên xe chứ không phải đang ngồi, chân tay hoàn toàn tê cứng vì không thể cử động được”. Ở Saganuur, Hương di chuyển bằng ngựa lội qua những khu rừng Taiga bì bõm nước bùn và ngập tuyết lạnh lẽo mới đến được nơi bộ lạc Tsaatan sinh sống.
Mất hết ba ngày di chuyển, Tsaatan hiện ra trước mắt khiến Hương quên hết mệt mỏi và vỡ òa ra vì quyết định đến nơi này hoàn toàn đúng. Người Tsaatan sống trong lều nhỏ dựng tạm bợ trên nền tuyết dày đặc, xung quanh là rừng cây bị tuyết phủ trắng xóa hệt như trong cổ tích. Trẻ con Tsaatan có đôi má đỏ rôm lên vì ở xứ lạnh, nhưng đã quen nên chạy nhảy khắp nơi trong khi cơ thể Hương đang đông cứng lại.
Sung sướng hơn cả là khi Hương được chạm tay vào đoàn tuần lộc mà từ nhỏ đến nay chỉ thấy trong tấm thiệp Giáng sinh. Những chú tuần lộc cao ngang ngực với bộ lông mượt mà, đầu “đội” bộ sừng cầu kỳ trông như những cây san hô. Những ngày tiếp theo, cuộc sống của cô gái này xoay quanh đàn tuần lộc. Sáng sáng, Hương cùng người dân đưa tuần lộc lên núi thả cho ăn tự do rồi trở về, tranh thủ thời gian cùng họ làm đồ lưu niệm, nấu nướng.
Đến chiều lại lên núi lùa tuần lộc về. “Tuần lộc rất lành tính, đặc biệt những con được thuần hóa thì rất dễ bảo. Mình chỉ việc dắt một con đầu đàn là cả đàn đi theo. Cứ chỗ nào có cỏ là chúng ngoan ngoãn đứng đó ăn suốt ngày, không xé đàn chạy lung tung. Mình còn được người dân ở đây cho vắt sữa tuần lộc, thưởng thức bơ, bánh làm ra từ sữa nữa”, Hương kể.
Biết bộ lạc Tsaatan là bộ lạc du mục, sẽ di chuyển chỗ ở liên tục nhưng Hương vẫn không khỏi hốt hoảng khi một sáng thức dậy, toàn bộ lều trại xung quanh đã được tháo sạch, chỉ còn chỏng chơ túp lều nhỏ xíu của Hương giữa rừng tuyết mênh mông. Từng gia đình gói gọn đồ đạc chất lên lưng tuần lộc rồi dẫn đi, tới một vùng núi khác ở xứ sở giá lạnh này để kiếm nguồn thức ăn cho tuần lộc.
Sợ không còn cơ hội
Tháng 8/2016, Hương quyết định xin nghỉ công việc truyền thông ở Đại học Đà Nẵng, tham gia vào WWOOF – một tổ chức phi chính phủ về nông nghiệp hữu cơ để có thể đi nhiều nơi trên thế giới, đồng thời cũng làm freelancer nhằm chủ động thu xếp tài chính cho những hành trình của mình. Có đủ kinh nghiệm đi lại và hòa nhập ở nhiều môi trường khác nhau, cô gái 25 tuổi “dặn” đôi chân của mình phải đến những nơi có nguy cơ bị biến mất.
Nhiều ngày sống với bộ lạc Tsaatan, Hương mới hiểu vì sao người ta gọi bộ lạc tuần lộc này là bộ lạc sắp biến mất ở Mông Cổ, và là một trong những bộ lạc tuần lộc cuối cùng trên thế giới. Hiện ở Mông Cổ chỉ còn khoảng 70 gia đình sống rải rác ở phía Đông và Tây Taiga. Mỗi gia đình sống cách nhau vài ngọn núi để đảm bảo nguồn thức ăn cho tuần lộc. Việc kiếm thức ăn khó khăn, cộng thêm khí hậu ngày một nóng lên, hoàn toàn không phù hợp với loại động vật xứ lạnh này.
Đó là chưa kể để khai thác du lịch, người ta đã di chuyển tuần lộc đến hồ Khovsgol (Khuvsgul Lake) ở Moroon, nơi có thức ăn ít và khí hậu quá ấm không tốt cho sức khỏe của tuần lộc. Và nếu những con tuần lộc ít dần, rồi biến mất, thì bộ lạc Tsaatan chắc hẳn cũng khó có thể tồn tại. Hương nói: “Tôi có thể đi những nơi khác một cách dễ dàng hơn, nhưng tôi chọn Tsaatan vì sợ chần chừ sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa”.
Hương đã kịp trải nghiệm cuộc sống của dân du mục ở đây, như lời Hương nói thì đó là “một cuộc sống hoàn toàn cổ đại”. Họ hun khói thịt và tận dụng tuyết để cất trữ thức ăn lâu ngày, gia đình nào cũng giữ bếp lửa để chống chọi qua mùa đông. Và họ chủ yếu sống theo kiểu tự cung tự cấp, không trông chờ vào việc mua bán.
Cùng mục tiêu sẽ đến những “nơi cuối cùng”, còn nguyên sơ tương tự như Tsaatan, trong danh sách điểm đến của Hương đã liệt ra bộ tộc Maasai ở hai quốc gia châu Phi Kenya và Tanzania, người Karo ở Ethiopia, bộ lạc đại bàng Kazakhstan ở phía Tây Mông Cổ, tộc người Rabari ở Rajasthan của Ấn Độ…
5 tháng kể từ khi nghỉ công việc văn phòng, Hương đã đi qua các nước Nepal, Mông Cổ, Malaysia, Trung Quốc, Hong Kong. Bạn đồng hành là điều Hương chưa bao giờ biết trước, có khi đi cùng tổ chức, khi cùng một người bạn cùng đam mê gặp trên mạng, có khi lại một mình.
Để những chuyến đi không chỉ thỏa mãn ham muốn xê dịch và trải nghiệm của bản thân, mỗi điểm đến Mai Hương đều ghi lại những điều thú vị bằng các bộ ảnh, bộ phim. Và những khoảnh khắc qua tay máy của cô gái này được đăng tải trên rất nhiều tờ báo, trang mạng, cũng như các trang web du lịch.
Mới đây nhất là bộ ảnh về bộ lạc tuần lộc Tsaatan đã “gây bão” cho cư dân mạng, khi tác giả ở “hiện trường” cập nhật toàn bộ thông tin về sự tồn tại của tuần lộc. Sau Tết Nguyên đán, Hương dự định sẽ đi tới những vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam, sau đó là các quốc gia Đông Nam Á.
link: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/co-gai-viet-nghien-nhung-nen-van-hoa-sap-bien-mat-1089394.tpo