The page was created to tell the story of my journeys, spreading knowledges and bring the beauty of the world to everyone. It may encourage people to pursue – to fight for their dreams.
📸 Photo: Lúc đó cậu ta bắt mình xoá hết ảnh. Mình cũng xoá rồi nhưng ko biết sao sót lại tấm này. Mình xin che nửa mặt nhân vật. Mình nghĩ lộ ra ánh mắt thôi cũng đủ nói lên điều gì đó rồi.
Kathmandu, 02/3/2016
– – – – – – – – – – – – – – – – –
1. Lần đầu tiên chạm mặt Jeff.
.
Buổi sáng đầu tiên ở Kathmandu tôi dậy tắm gội từ sớm, sau đó lên khu vườn trên sân thượng của tầng 7 khách sạn để dùng bữa sáng và uống trà chanh gừng mật ong.
.
Từ trên này, tôi có thể ngắm toàn cảnh một góc của thành phố Kathmandu với những ngôi nhà cũ kỹ mờ ảo trong sương sớm và bảng lảng… cả tấn bụi!
Sau khi dơ máy ảnh lên bấm vài tấm, tôi quay lại thì bắt gặp cái nhìn chăm chú của một cha nội người Mỹ đầu trọc lóc. Anh ta đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi cũng gật nhẹ đầu chào lại rồi lơ đi để tiếp tục dùng bữa sáng.
.
Lát sau, sau khi ăn xong, tôi ngồi uống trà gừng thì “đầu trọc” tiến tới bắt chuyện hỏi tôi từ đâu tới. Sau khi biết tôi tới từ Việt Nam và đang du lịch một mình thì có vẻ rất hài lòng. “Đầu trọc” bảo anh cực kỳ thích người Châu Á. “Đầu trọc” tên là Jeff, sinh năm 1987 (năm đó anh 29 tuổi, hơn tôi 4 tuổi), đến từ Boston, Mỹ.
.
“Đầu trọc” có vẻ muốn hỏi chuyện tôi nhiều hơn nhưng tôi chỉ rụt rè nói: “Xin lỗi, tiếng Anh tôi không được tốt lắm!”. Rồi tìm cách chuồn lẹ bỏ lại “đầu trọc” ngồi lại một mình.
.
Tôi là một đứa rụt rè và không giỏi xã giao. Thêm việc vốn tiếng Anh không tốt của mình càng khiến tôi thu mình lại không muốn giao tiếp nhiều với người phương Tây. Tôi bị ám ảnh rằng nếu mình nói tiếng Anh quá tệ và nghe tiếng Anh kém sẽ làm đối phương cảm thấy mệt và phiền khi phải nói chuyện với tôi.
.
– – – – – – – – – – – – – – – – –
2. Tui đã rút được tiền!
.
9:00 sáng Bishnu đến khách sạn gặp tôi, nói muốn đưa tôi đi dạo nhân tiện tìm ATM. Thôi mẹ, muốn đưa tui đi ATM rút tiền thì nói cha đi, bày đặt kêu rủ đi dạo.
.
Sau khi thử nghiệm với 4 cây ATM, cuối cùng cây ATM thứ 4 đã không phụ lòng tôi. Tôi đã rút được hơn 27 triệu tiền mặt.
.
Tuy nhiên đến tối khi 2 người bạn đồng hành bên Úc bay qua thì tôi mới đưa tiền và ký hợp đồng với Bishnu. Vì vậy từ giờ tới tối, tôi vẫn giữ cục tiền trị giá hơn 27 triệu ở bên người.
.
Bishnu hẹn tôi 1:30 chiều sẽ đến đón tôi đi đến một nơi đẹp rồi rời đi. Bishnu đi rồi, tôi quyết định tự đi dạo một vòng khám phá khu phố cổ Thamel tại đây xem sao. Nhưng ko an tâm để tiền ở phòng khách sạn, nên tui nhét zô túi máy ảnh và mang theo người luôn.
.
– – – – – – – – – – – – – – – – –
3. Rồi tôi “mắc bẫy” lừa tiền ở Thamel…
.
Thamel – khu phố cổ nơi tôi ở thật sự rất dễ thương. Dù vẫn cũ kỹ, ồn ào, bụi bặm, giao thông hỗn loạn, nhưng đa sắc màu, rất boho, chứa nhiều nét văn hoá đặc sắc và đậm chất Phật giáo.
.
Tôi đang đi và ngắm nghía xung quanh thì có một chàng trai Nepal đến bắt chuyện với tôi rất nhiệt tình. Cậu ta hỏi tôi đến từ Trung Quốc hả? Đi du lịch một mình à? Tên gì? Bla bla…
.
Tôi thấy cậu ta thân thiện nên cũng trả lời. Cậu ta nói cậu ta là học sinh cấp 3 và đang muốn luyện tập tiếng Anh nên muốn tìm gặp người nước ngoài để nói chuyện.
.
Nghe xong tui hết hồn, nghĩ: “Chà, học sinh cấp 3 ở Nepal mà nhìn như ba mình ấy nhỉ Thế giới thặc kì lạ và khác biệt!”.
Xong tôi quay ra nói với cậu ta là: “tiếng Anh của tôi rất tệ, cậu nên tìm những khách Châu Âu để luyện thì hơn”. Cậu ta quả quyết là không sao, chỉ cần tôi vui.
.
Tôi ngờ vực: “Vì sao? Cậu muốn gì ở tôi?”
.
Cậu ta nói: “Tôi chỉ muốn luyện tiếng Anh và làm mọi người đến với đất nước của tôi được vui, bạn đừng lo, tôi làm free . “No money for me. I don’t need money”“- Cậu ta nhấn mạnh.
.
Cảm thấy an tâm hơn nên tôi nói “Ok” rồi cùng đi xung quanh với cậu ta. Cậu ta dắt tôi đi coi một vài nơi thờ cúng quanh Thamel.
.
Cậu ta nói tiếng Anh theo ngữ điệu tiếng Ả Rập hay sao á, cứ ” cờ lặp pặp pặp pặp…” nhanh như một cơn gió. Tôi chưa kịp hiểu câu này cậu ta đã lèo lèo qua câu khác rồi. Hic. Tôi còn khen cậu ta nhiệt tình, tốt bụng, chúng tôi thậm chí còn selfile với nhau…
.
Chúng tôi đi với nhau chừng 25 phút. Tôi nhìn đồng hồ đã 12:00 trưa. Nhớ ra Bishnu hẹn tôi 1 rưỡi chiều sẽ đón tôi bằng xe máy đến một nơi đẹp ở Kathmandu nên tôi nói với cậu ta là giờ tôi cần trở về khách sạn của mình ăn trưa. Cậu ta nói ok nhưng cậu ta cần mua một vài thứ cho gia đình và dắt tôi đi vô một cửa hàng tạp hoá ở một góc khuất.
.
Và mọi thứ giờ mới lộ rõ…
.
Cậu ta bảo người đàn ông trong quán lấy ra một bao gạo, dầu ăn, đường, bánh, kẹo và vài thứ lặt vặt mà tôi chẳng biết là cái gì. Xong xuôi, cậu ta quay ra nói với tôi:
.
– “Tao muốn mày thanh toán hóa đơn mua hàng cho tao”.
– “Hả? Vì sao?” – Tôi té ngửa.
– “Bởi vì khi nãy tao đã dắt mày đi tham quan khu phố của tao”.
– “Nhưng cậu nói cậu làm free mà?”
– “Đúng, tao nói tao không cần tiền, mày không cần đưa tiền cho tao. Nhưng tao muốn mày thanh toán hóa đơn cho tao”.
– “Hic… Bao nhiêu… chừng này?” – tôi lắp bắp hỏi.
– “Khoảng 30 USD cho tất cả” – Người bán hàng nói.
– “What? 30 USD là… gần 700k tiền Việt á hả? Mẹ ơi…” – Tôi thầm nghĩ rồi nói: “Xin lỗi tôi không có tiền!”.
.
Lúc đó tôi run thật sự, vì tôi đang đeo trên mình chiếc túi chứa 27 triệu – số tiền cho 20 ngày ở Nepal của tôi. Thật chứ họ mà phối hợp cướp túi của tôi 1 cái thì đúng là đời tôi về moooo!!! Sẽ chẳng có trekking. Chẳng có E.B.C gì nữa…! Chắc tui gia nhập đội vô gia cư vạ vật ngoài phố Kathmandu mà ăn xin chờ ngày bay về luôn quá!.
.
Cậu ta bắt bẻ với ánh mắt dữ dằn:
– “Lúc đầu mày có nói mày đến đây để trekking E.B.C. Và chi phí trekking E.B.C rất cao. Tao chắc chắn mày có nhiều tiền! Hãy thanh toán hoá đơn!”.
.
Tôi bảo:
– “Tôi đã thanh toán hết tiền trekking cho công ty tour, nên giờ tôi chỉ còn rất ít tiền đủ chi tiêu cho 2 ngày ở Kathmandu. Ở khách sạn của tôi có khoảng 5 usd tiền ăn cho ngày hôm nay. Nếu bạn muốn thì để tôi về lại khách sạn, tôi sẽ trả cho bạn 1-2 USD để cảm ơn chứ tôi ko thể thanh toán hóa đơn cho bạn”.
.
Nghe tôi nói vậy cậu ta có vẻ ngán ngẩm nên bảo tôi:
– “Cho tao cái mũ của mày đi. Nó đẹp. Tao thích”.
.
Lúc đó tôi nghĩ trong đầu: “Ặc, mũ con mới mua ở chợ Cồn 50k đó má!” . Rồi quay ra bảo:
– “Rất tiếc, mũ này bạn thân tôi tặng tôi trước khi đi”.
.
Cậu ta lại hỏi:
– “Thế cái đồng hồ của mày bao nhiêu tiền?”.
.
Tôi bảo: “Tôi ko biết nhưng bố tôi tặng tôi”.
(Thật ra đồng hồ này tui tặng Huy vào hum sinh nhật anh ấy. Sau anh ấy mua cái khác đẹp hơn ko dùng tới nữa nên tui mới đòi lại rồi đeo đi du lịch. Hị hị ).
.
Cậu ta nhìn tôi ngán ngẩm rồi bảo:
– “Thôi mày xóa hết ảnh có mặt tao đi rồi trở về hotel của mày đi”.
.
Lúc đó tôi mừng lắm. Cảm giác như vừa thoát được khỏi vòng nguy hiểm. Mà nghĩ lại thấy cậu ta cũng chỉ dở chiêu trò mánh khoé lừa gạt nhau chút nhưng ko đến nỗi cướp giật hay bắt chẹt người quá mức!
.
Nghe vậy tôi nhìn cậu ta, tỏ vẻ buồn rầu: “Tôi rất tiếc vì tôi thật sự ko có nhiều tiền. Tôi cũng cảm ơn bạn vì buổi sáng nay đã đưa tôi đi quanh khu phố. Tạm biệt”. Cậu ta chỉ nhún vai chán nản và thả cho tôi đi. Rồi tiếp tục ngồi một góc săn tìm “con mồi” mới.
.
Hú vía, tôi chuồn lẹ và dò hỏi đường về lại khách sạn. Vừa bước đi được mấy bước lại có 1 cậu nhóc nhìn tôi chằm chặp rồi đi theo tôi cố gắng bắt chuyện. Vẫn y chang những câu hỏi như cậu thanh niên vừa rồi. Lần này tôi ko ngu nữa đâu, tôi tỏ vẻ ko quan tâm, không trả lời và lạnh lùng xua tay nói “No, thanks”. Rồi đi thẳng….
.
Đó là rắc rối thứ 2 tôi gặp ở Kathmandu (sau vụ ko mang đủ tiền xin visa ở sân bay mà máy ATM ko hoạt động).
.
Chia sẻ vậy để sau bạn nào đến Nepal một mình mà có ý định đi dạo quanh Kathmandu thì nhớ đề phòng chút nha, nhất là mấy bạn nữ lang thang một mình thường là đối tượng. Chủ yếu là dùng mưu mẹo để lừa tiền của bạn thôi. Cũng ko cần làm căng quá. Cứ nhẹ nhàng mà ứng phó nhen.
– – – – – – – – – – – – – –
Photo: Lúc đó cậu ta bắt mình xoá hết ảnh. Mình cũng xoá rồi nhưng ko biết sao sót lại tấm này. Mình xin che nửa mặt nhân vật. Mình nghĩ lộ ra ánh mắt thôi cũng đủ nói lên điều gì đó rồi.
Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.