Nepal

🇳🇵 Nepal (chap 11): Ngày trek thứ 4 & Những rạn nứt đầu tiên với bạn đồng hành…

11.1

Tyangboche (3860m), 06/3/2016
– – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 1, Ký ức ám ảnh nhất của Janak.
.
Hôm nay tôi vô tình hỏi Janak “Trong 22 năm làm guide thì kỷ niệm nào a nhớ nhất?”. Thế là Janak kể cho chúng tôi nghe về ký ức ám ảnh anh nhất trong 22 năm làm guide.
.
Đó là một ngày vô cùng khủng khiếp, khi Janak đang dắt team lên đỉnh Annapurna thì một cơn bão tuyết tràn đến không được báo trước.
.

Đó là ngày 14/10/2014 – ngày mà anh không bao giờ quên được. Janak tưởng như anh sẽ không thể sống nổi qua trận bão tuyết năm đó…
.
Tối 13/10/2014, tuyết bắt đầu rơi nhưng hầu hết mọi người cho rằng đó là dấu hiệu bình thường. Đến 5h sáng hôm sau, những người leo núi bắt đầu khởi hành và chỉ 4 tiếng sau, tuyết bỗng rơi rất mạnh, kèm gió bão quật mạnh.
.
Những người leo núi đi theo đoàn hoặc nhóm nhanh chóng bị lạc nhau. Với lượng tuyết phủ cao tới hông, gió quật mạnh, mọi người không còn nhìn thấy dấu chân của những người leo núi xung quanh và thậm chí còn bị kẹt cứng dưới tuyết. Mọi kênh liên lạc bị vô hiệu hoá.
11.5
.
Nhiệt độ xuống thấp đột ngột tới nỗi mọi đồ đạc gần như đóng băng. Có nhiều người bị sốt cao và sùi bọt mép. Rất nhiều người đã chết, người ta phải bước qua xác nhau để tìm cách xuống núi. Janak cũng đã quá kiệt sức, cơ thể giảm nhiệt độ mạnh. Anh gần như sốt rét và cảm thấy có thể sẽ chết. Nhưng vào giây phút anh tuyệt vọng nhất thì may mắn là helicopter đã đến cứu hộ kịp thời. Và anh đã thoát nạn sau trận bão tuyết kinh hoàng năm ấy.
Nghề làm guide và porter trên dãy Himalaya là như vậy. Ngoài sức khỏe, sự cần cù, kiên nhẫn, họ còn cần có sự can đảm, dẻo dai, sức sống mãnh liệt để sẵn sàng đương đầu với bất cứ khó khăn nào của Himalaya khắc nghiệt.
.
Nhưng đôi khi… dù có tất cả, mà không có may mắn, họ vẫn không thể nào chiến thắng được thiên nhiên.
11.7
.
– – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 2. Lại là anh Nam ki và điệu cười ấy…
.
Hôm nay tôi có nói câu gì đó với Janak mà có nhắc tới áo khoác, tôi phát âm áo khoác là “zách kịt”. Anh Nam Ki lại chợt cười khẩy…. Nhưng tôi cũng lơ đi.
.
Đến lúc nghỉ chân xong, tôi đứng lên đi tiếp nhưng vẫn thấy anh ngồi lại, nên tôi quay ra hỏi thăm: “Anh ơi anh chưa đi ạ?”, thì anh cười mỉa mai và nói “Em đi trước đi, anh chờ “ZÁCH KẸT”. Anh nhấn mạnh từng chữ “ZÁCH-KẸT”.
.
Tôi ngơ ngác hỏi “Chờ “zách kẹt” là ai hả anh?”. Xong anh chỉ cười khẩy và nói: “Ủa, “zách kẹt” là cái gì mà em không biết hả? Anh tưởng em cũng thông minh mà hoá ra em “ba chấm” thế à? Hay là em giả ngây đấy? Nãy em mới gọi áo khoác là “zách kịt” mà nhỉ?”.
.
Tôi không hiểu từ “ba chấm” mà anh nói ở đây là gì. Có lẽ là từ “ngu”. Chỉ là… tại sao anh không nói đơn giản rằng: “Em đi trước đi, anh chờ áo khoác”? Tại sao anh phải cố gắng nhấn mạnh từ “zách kẹt”?
.
Chỉ vì trước đó, tôi phát âm sai từ “áo khoác” thành ” zách kịt” ư? Nên anh muốn dùng cách này để mỉa mai tôi à? Tại sao ngay khi tôi phát âm sai anh chỉ cười khẩy mà không nhắc hay sửa cho tôi, rồi lại dùng cách đó chế nhạo tôi?
11.2
.
– – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 3. Anh Nam Ki và những câu hỏi…
.
Trong hành trình, thi thoảng bắt gặp cái này cái kia, anh Nam Ki lại hỏi tôi “Em biết cái này nghĩa là thế nào không?”,… Thật sự khi đó thế giới quan của tôi hạn hẹp lắm. Tôi cũng không hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài, nên những câu hỏi của anh tôi đều không trả lời được. Mỗi lần tôi nói: “Dạ, em không biết!”. Anh lại cười khẩy một cái rồi bỏ đi tiếp.
.
Ơ, tôi thật sự không hiểu. Nếu như anh thật sự có thiện chí thì anh có thể giải thích cho tôi nghe mà. Khi tôi nói tôi không hiểu là tôi thực lòng mình muốn được mở mang thêm kiến thức, chứ không phải để nhận lại nụ cười mỉa mai đó từ anh. Tất cả chỉ làm tôi ngày càng bị áp lực khi giao tiếp với anh. Tôi cảm thấy mất tự tin trầm trọng. Cảm giác như mình thua kém và thiếu hiểu biết với cả thế giới này.
.
Có lẽ anh quên rằng, tôi mới sống trên đời có 25 năm. Còn anh đã sống tới hơn 60 năm. Tôi chưa từng được bước ra thế giới trước đó. Còn anh đã đi nhiều nơi. Tầm hiểu biết của anh chắc chắn phải vượt xa tôi chứ. So bì làm sao được. Tôi chỉ thở dài chán nản và đi tiếp…
11.3
.
– – – – – – – – – – – – – – – – – –
✅ 3. Tôi bắt đầu hiểu ra lý do vì sao anh Nam Ki lạnh lùng với mình.
.
Ở độ cao này nước bắt đầu siêu buốt, càng lên cao thì càng buốt. Tôi nhớ mỗi lần tôi rửa mặt là muốn khóc thét vì… đau đớn. Nước nó buốt đến độ đau như ngàn mũi kim đâm và cứng tay luôn, tôi cảm tưởng như nó sắp đông máu đến nơi rồi ấy.
.
Nên cứ hứng nước xong tôi phải xoa bóp tay liên tục và ép chặt tay vô đùi để giữ ấm và cho máu lưu thông. Nước lạnh 1 cách không thể chịu đựng nổi. Kinh khủng lắm. Kinh khủng tới mức chẳng biết diễn tả sao. Nhất là lúc lên tới hơn 4000m trở đi.
.
Vợ chồng anh Nam Ki và những người khách nước ngoài tôi thấy thì họ thường bỏ tiền ra mua nước nóng để rửa mặt, lau người và uống. Tôi không hỏi giá nhưng hồi ở Dingboche tôi nghe Jeff nói anh ấy mua 1 bình nhỏ để uống là 200RB (khoảng 46k) chỉ đủ uống trong 1 buổi.
11.4
.
Bữa đó chị Liên có hỏi tôi: “Ủa, cưng không mua nước nóng dùng luôn hả?”. Tôi cười xòa bảo: “Dạ, em thấy cũng không cần lắm ạ!”.
.
Thật ra thì do tôi không có nhiều tiền để chi cho mấy khoản này. Thanh toán tiền tour cho Bishnu là 23,5 triệu xong. Tôi chỉ còn gần 4 triệu để chi tiêu eo hẹp trong hành trình 20 ngày.
.
Bao gồm tiền mua: giấy vệ sinh và nước uống trên hành trình (Càng lên cao càng đắt. Nhiều ng tiết kiệm bằng cách mua một đống ở dưới cho rẻ rồi bắt porter cõng luôn đống nước lên. Tôi không làm vậy. Đi đến đâu tôi mua tới đó để giảm trọng lực khuân vác cho porter), tiền tips cho anh em guide và porter, và ăn ở trong 2 ngày tự túc ở Kathmandu.
.
Bởi vậy tôi phải cố gắng tiết kiệm hết mức, bỏ những khoản tôi thấy không thật sự cần.
.
Cái rồi lúc tôi vừa quay người bước đi thì nghe anh Nam Ki nói (nhỏ giọng lại) với vợ ảnh là: “Em hỏi làm gì. Dân Bắc Kì nó vậy!”.
.
Dù anh đã nói nhỏ hơn nhưng tôi vẫn đủ nghe được. Tôi hơi sững người, rồi thở dài nghĩ: “Woa, chắc mình sẽ hợp với 2 người bạn đồng hành này lắm đây!”.
.
Lúc này tôi bắt đầu dần hiểu ra lý do vì sao anh Nam Ki có thái độ rất lạnh lùng và hay cười khẩy mình. Có lẽ anh không ưa người miền Bắc. Trước đó thấy tôi ở Đà Nẵng anh nghĩ tôi là người miền Trung. Mà lúc gặp mới biết tôi là người Bắc. Anh là người miền Nam, ghét chế độ cộng sản, gia đình anh đã sang Úc định cư từ sau giải phóng.
.
Thôi, nếu một người đã có định kiến với tôi ngay từ đầu chỉ vì nơi tôi sinh ra và lớn lên. Thì tôi chẳng còn gì phải suy nghĩ nữa.
Dù sao, hôm nay cơ thể cũng đã quá mệt rồi.
11.3
.
– – – – – – – – – – – – – – – – – –
🥲 P/s: À mà lão Rav – chồng tui mới bảo hình như tui khum hợp đồng hành với mấy anh tên Nam. (Bạn nào đã đọc các chap Ấn Độ rồi sẽ hiểu nhỉ? Từ Nepal tới Ấn Độ… 🥲).
– – – – – – – – – – – – – – – – – –
👻 Các chap sau sẽ là một bước tiến mới trong mối quan hệ giữa tui và Jeff.
11.6
11.9
Phòng tui ở hôm nay.
Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply