(một bài viết của tôi đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chuyên mục: Câu chuyện cuộc sống)
TTCT – Tôi từng là nạn nhân của áp lực học hành và cũng có một phút nghĩ quẩn. Đó là năm tôi còn là một nữ sinh lớp 9.
Những trận đòn… thừa chết thiếu sống
Đó là lần đầu tiên tôi bị xếp loại học lực trung bình học kỳ 1 năm lớp 6 vì môn toán của tôi thiếu mất 0,2. Tôi không sao quên được trận đòn hôm ấy. Không chỉ mẹ mà bố cũng tát vào mặt tôi tới tấp.
Vừa chịu đòn roi đau đớn, tôi vừa phải nghe những câu nhiếc mắng như: “Bố mẹ vất vả nuôi mày ăn học để giờ mày học hành như thế đấy hả?”, “Uổng công tao cho mày đi học để mày vác cái bảng điểm trung bình về đây làm xấu mặt nhà này”…
Trận đòn kéo dài hơn 30 phút rồi cũng kết thúc trong sự đau đớn rã rời của tôi. Không còn chút sức lực nào để gào khóc, tôi chỉ biết hoảng sợ đến tột cùng và tự nhủ sang học kỳ sau phải cố gắng vớt môn toán lên đủ điểm đạt học lực loại khá.
Thế rồi sang học kỳ 2 tôi đã làm được, tuy điểm toán vẫn thấp nhưng cũng đủ cho tôi ngoi lên danh hiệu học sinh tiên tiến. Cứ tưởng đâu bố mẹ sẽ vừa lòng, vậy mà ai ngờ bố mẹ tôi vẫn nói đầy bực bội: “Mày thì hơn được mấy cái đứa trung bình, yếu chứ hơn được ai. Mày coi lại bảng điểm của mày xem. Có bao nhiêu đứa hơn mày?”.
Tôi mệt mỏi rã rời với học hành, còn cái mà bố mẹ tôi quan tâm thì mãi mãi chỉ là hai chữ “kết quả” mà đâu cần biết tôi đã phải khổ sở, cố gắng thế nào mới vớt được môn toán trên 6,5.
Bất chấp cả… gian lận và nói dối
Sau đó, dù đã cố gắng nhưng những tiết học trên lớp vẫn không nhồi nổi vào đầu. Đến ngày thi tôi hoang mang tột độ, chỉ còn ý nghĩ phải cố sống cố chết để có được điểm cao, bất chấp cả việc… gian lận. Đánh liều làm “phao cứu sinh”, nhưng không ngờ chính cái phao ấy lại dìm tôi chết đuối. Tôi bị bắt khi đang gian lận và bài thi đó của tôi coi như hỏng.
Cô giáo gọi điện về nhà trao đổi với bố mẹ tôi. Tôi cứ nghĩ mình sẽ được nghe một bài giáo huấn về đạo đức. Thế nhưng, bất ngờ thay, câu nói đầu tiên của mẹ tôi trước khi lôi tôi ra đánh là: “Quay thì mày phải quay cho khéo chứ. Học đã dốt, quay cũng dốt nốt. Bây giờ người ta để bài mày điểm 0 kia kìa. Mày tính sao?”.
Bố mẹ vẫn nói tôi nhất định phải được học sinh khá trở lên. Và thế là trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ: “Nếu không được học sinh khá thì mình sẽ chết!”. Ngày tổng kết học kỳ 1 cũng đến, cô phát bảng điểm. Tôi xếp loại học lực trung bình. Cô giáo cũng nói tiếc cho tôi chỉ vì môn thi bị hỏng.
Tôi như chết sững dù biết trước kết quả đã vậy. Tôi vẫn hi vọng một phép mầu nào đó cứu vớt tôi khỏi cơn tuyệt vọng nhưng không thể. Tôi lẳng lặng về nhà. Tôi đã định tìm đến cái chết bằng ý nghĩ ngây ngô của một con nhóc lớp 9. Đó là lấy thật nhiều dây thun thắt chặt hết tất cả các đốt ngón tay và ngón chân lại, khóa mình trong phòng. Vì tôi nghe nói làm vậy máu sẽ không thể lưu thông được và tôi sẽ chết.
Thế rồi tôi nằm trên giường… chờ chết. Một lúc sau tôi thấy các đầu ngón tay và chân tôi tê cứng, lạnh buốt và trắng bệch. Tôi cũng cảm thấy khó chịu trong người. Thế rồi bỗng dưng tôi thấy sợ. Tôi nhận ra cái chết còn đáng sợ hơn bố mẹ mình. Thế là tôi lần lượt tháo hết dây thun trên ngón tay và chân của mình ra.
Nhưng nghĩ đến những trận đòn, cơn thịnh nộ của bố mẹ, những lời nói đay nghiến…, tôi lại rùng mình. Và tôi quyết định sẽ nói dối. Tôi dùng bút xóa chữa lại bảng điểm mà cô photo cho cả lớp rồi đem photo lại bản khác để mất dấu bút xóa. Thế là tôi có một bằng chứng chứng minh tôi được học sinh khá.
Rồi tôi viết cho cô giáo chủ nhiệm của mình một bức thư, tâm sự hết tất cả những hoang mang, lo sợ mà tôi phải chịu. Tôi xin cô hãy giấu bố mẹ giúp tôi. Cô hiểu và đồng ý nhưng cô cũng nói một ngày nào đó cô sẽ nói chuyện với bố mẹ tôi, giúp họ hiểu ra sai lầm.
Chúng ta đang chạy theo cái gì?
Và cũng nhờ cô, bố mẹ tôi đã hiểu ra những gì mà tôi phải chịu đựng. Bố mẹ đã nhẹ nhàng với tôi hơn, động viên tôi học chứ không đe dọa và thúc ép tôi nữa. Học kỳ hai lớp 9 tôi lên được học sinh khá. Đỗ vào lớp 10 với số điểm vừa đủ.
Học kỳ 1 năm lớp 10 còn bỡ ngỡ với cách học mới nên tôi cũng chỉ đạt học lực trung bình, nhưng bố mẹ đã không dùng vũ lực và mắng nhiếc tôi nữa. Rồi những năm học sau tôi đều đạt loại khá.
Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, tôi cũng bị áp lực như bao học sinh khác. Nhưng bố mẹ vẫn động viên tôi cố gắng. Thỉnh thoảng có dọa nếu tôi thi rớt sẽ cho tôi cái thúng ra chợ bán rau. Nhưng bố mẹ không dùng những lời lẽ hắt hủi, khó nghe với tôi nữa.
Với tôi, như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Bởi nghĩ lại quãng thời gian trước kia, tôi lại hoảng sợ đến tột cùng. Tôi đỗ một trường đại học vừa tầm với số điểm vừa đủ, được theo đuổi đúng chuyên ngành ước mơ của mình.
Lên giảng đường đại học, tôi vẫn hoảng sợ khi nghe thầy cô nói rằng: “Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá bây giờ cũng chỉ là bỏ đi. Loại giỏi người ta còn đang xem xét thì đâu đến lượt loại khá. Tại sao ư? Tại vì xã hội Việt Nam là một xã hội chuộng bằng cấp…”.
Ai chẳng biết để chạm đến được ước mơ là phải cố gắng không ngừng, nhưng cái mà chúng ta đang chạy theo thật sự là cái gì? Hình như không phải cái gọi là “ước mơ” mà là “điểm”, là “bằng cấp”…
MAI HƯƠNG