Ngày thứ hai ở Ziro chúng tôi được Tajo dẫn đi gặp Mithun – một loài động vật thiêng liêng trong tâm linh người Apatani. Mithun là loài động vật hoang dã chuyên sống trong rừng rậm và đang được người Apatani thuần hoá để làm vật hiến tế trong các lễ hội. Từ xưa mithun đã được gắn liền với những câu chuyện thần thoại về các vị thần của bang Arunachal Pradesh. Người Apatani không bao giờ gọi Mithun là “con” mà sẽ gọi là “ngài Mithun”. Tajo còn bảo tui “Nào, chào ngài ấy đi”. À vâng, tôi hơi bối rối chẳng biết chào sao cho phải phép. Thôi khó quá bỏ qua!
Tôi hỏi Tajo: “Vậy muốn có Mithun thì phải vào rừng săn bắt sao?”, Tajo chỉnh lại “Không phải “săn bắt” mà là “rước” về. Mithun rất thích muối, vì thế rất dễ dụ và thuần hoá”.
Ủa đây là lần đầu tiên trong đời tui thấy một con bò thích muối. À mà tui cũng không biết “ngài ấy” có phải bò không nữa. Nhưng tui thấy vị này nhìn khá giống một con bò sữa, cơ mà lại sống trong rừng, có khi nào đây là bò rừng không? Nhưng bò rừng thì không hiền như này, cũng không thích muối. Vị này sống trong rừng rậm nhưng lại siêu hiền và thích muối. Thật kỳ lạ, nhỉ!
Tuy người Apatani đều khẳng định hiến tế Mithun là nghi thức thiêng liêng nhất, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình khi được xem những clip hiến tế của người Apatani. Họ sẽ cắt cổ họng và chặt nửa cổ của Mithun và để chúng chảy máu trong đau đớn và giãy giụa, quằn quại đến chết. Họ nói như vậy mới phù hợp với một cuộc hiến tế. “Má ơi!” – Tui nghĩ trong đầu: “Có lẽ Mithun mà biết nói sẽ nói rằng: Các người tôn sùng tôi làm gì, gọi tôi là “ngài này ngài nọ” làm gì rồi các người chặt đầu, cắt cổ để tôi phải chết một cách đau đớn như thế!”. Thật, tôi sợ hãi luôn! Nhưng văn hoá và tập tục ngta như vậy. Biết sao giờ?
Mithun thể hiện sự phân hoá xã hội của người Apatani một cách sâu sắc. Trong một đám cưới, mithun được dùng như của hồi môn và lễ vật có giá trị cao nhất, tương đương vàng. Mithun thậm chí còn được dùng để đổi lấy đất.
Sau khi Mithun được hiến tế, thịt sẽ được chia cho dân làng, nhưng hộp sọ và sừng thì được giữ lại để treo trên lối vào của ngôi nhà hoặc trong nhà. Gia đình nào càng có nhiều hộp sọ và sừng mithun thì càng danh giá, có địa vị và được dân làng tôn trọng.
“Trung bình mỗi năm một Mithun chỉ sinh được một lần. Nhưng có những gia đình giàu có đã hiến tế 30-40 Mithun cho một đám cưới. Và điều đó thật sự không cần thiết” – Tajo băn khoăn nói.