My Newspaper Writing, Việt Nam

Tuổi Trẻ: Tôi đã từng thờ ơ với Trường Sa, Hoàng Sa

414257_251381884960997_1753499831_o

(Đây là bài viết đạt giải Nhì cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa” của tôi do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2011)

02/12/2011 05:15 GMT+7

TT – Để tìm nguồn “góp đá”, thành viên lớp tôi nghĩ ra chương trình chiếu phim gây quỹ “Góp đá xây Trường Sa”.

Bằng mọi cách, tôi đã đăng lên các diễn đàn mạng như diễn đàn trường, diễn đàn sinh viên Đà Nẵng, Facebook, Yahoo!… kêu gọi mọi người mua phiếu xem phim ủng hộ Trường Sa. 

Tôi đã từng thờ ơ với Trường Sa, Hoàng Sa
Một điểm bán vé chiếu phim về Trường Sa của các bạn sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng – Ảnh: MAI HƯƠNG

Đó là trên mạng, còn ở trường chúng tôi đặt một chiếc bàn bán vé ủng hộ và băngrôn lớn ngay gần lối sinh viên hay đi qua để kêu gọi mọi người mua vé ủng hộ. Đến giờ nghỉ giữa tiết, mấy đứa lại phân công nhau lên các lớp hoặc những chỗ có sinh viên tụ tập đông để kêu gọi. Nhưng dường như điều mà đa số chúng tôi nhận được chỉ là những cái xua tay, lắc đầu trước những tấm phiếu ủng hộ chỉ 15.000 đồng/cặp.

Có bạn sinh viên nữ khi nghe tôi nói về “Góp đá xây Trường Sa” lại nhìn tôi với ánh mắt khó chịu như thể tôi là một kẻ lập dị. Có khi tôi lấy hết can đảm để bước vào, đứng giữa một lớp học xa lạ gần trăm sinh viên, cầm micrô kêu gọi nhưng tất cả chỉ cười ồ lên và buông lời trêu chọc, rồi rốt cục chẳng ai mua nổi một tấm vé.

Có nhiều bạn thường tham gia các hoạt động từ thiện, luôn nói hùng hồn về “từ thiện”, về “công tác xã hội” thì giờ đây… khi chúng tôi kêu gọi mua một tấm vé vì Trường Sa lại chỉ cười, nhún vai, lắc đầu rồi bỏ đi.

Về nhà, vào các diễn đàn mạng cứ hi vọng sẽ có rất đông người đặt vé, nhưng hoàn toàn trái ngược với sự tưởng tượng của tôi. Trên Facebook có những comment ngây ngô đáng nể: “Góp đá xây Trường Sa là sao hả bạn? Mình không hiểu?”, có người còn comment chế giễu.

Hôm sau, cô bạn cùng lớp tôi kể chuyện cô ấy mang vé đi bán với vẻ bức xúc lắm, vì mời phải mấy anh sinh viên năm 4 lại nhận được câu trả lời: “Tụi anh năm cuối rồi thời gian đâu mà đi xem phim?”. Nhưng khi cô bạn vừa quay đi, anh chàng đó liền quay sang nói với đám bạn: “Tối nay nhậu hè?”.

Thế nhưng, vẫn có những bạn trẻ rất đáng trân trọng. Khi bỗng dưng thấy “nick Facebook” của mình được mời tham gia một trang trên Facebook với cái tên: chương trình chiếu phim gây quỹ “Góp đá xây Trường Sa” do một cậu bạn sinh viên Bách khoa lập, tôi thấy lòng mình ấm hơn. Bạn ấy đã viết: “Dành một phút để đọc – Có thể bạn sẽ giúp cho Trường Sa mãi mãi là của chúng ta (…). Ủng hộ Trường Sa cùng bạn trẻ Việt trên khắp đất nước nào”.

Hay đơn giản chỉ là khi những tin nhắn kêu gọi trên Yahoo! của tôi được bạn này bạn kia chuyển tiếp đi khắp danh sách bạn bè của họ. Cứ thế nhân rộng ra… Điều đó khiến tôi tin tưởng hơn vào việc chúng tôi đang làm – một hành động thiết thực cho Tổ quốc mình.

Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận một điều là chính mình trước đây cũng đã thờ ơ với Trường Sa, Hoàng Sa. Chỉ từ khi lớp tôi tổ chức chương trình này, từ khi được ngồi xem những đoạn phim tư liệu về Trường Sa mà lớp chiếu… Tôi lặng đi, trong lòng bỗng dậy lên một thứ xúc cảm kỳ lạ, tôi nổi da gà. Đó là một cảm giác trân trọng, biết ơn sự hi sinh của những chiến sĩ nơi đảo xa. Đau xót xen lẫn xấu hổ, xấu hổ cho sự vô cảm của mình. Có lẽ đó là giây phút mà điều gọi là “tinh thần dân tộc” trỗi dậy trong tôi.

MAI HƯƠNG

 

Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply