Blog, My Newspaper Writing

Chuyện nữ phượt thủ Q. bị lũ cuốn trên đường trekking Tà Năng – Phan Dũng: Xê dịch không đẩy bạn vào chỗ chết

Nhân chuyện chị Q bị lũ cuốn trên đường trekking Tà Nẵng – Phan Dũng, tôi cũng có một bài viết chia sẻ quan điểm của mình như sau. Bài viết này đã được đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 12/10.

Chuyện nữ phượt thủ Q. bị lũ cuốn trên đường trekking Tà Năng – Phan Dũng mới đây thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Một lần nữa cộng đồng mạng lại dậy sóng và chỉ trích: “Nông nổi”, “đua đòi”, “vô bổ”, “thiếu kinh nghiệm”… . Vậy thì sao, ở nhà sẽ an toàn hơn ư?

“Đêm đầu tiên cắm trại trên đỉnh đồi Tà Năng thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Tại đây, toàn bộ khung cảnh núi non hùng vĩ hiện lên trước mắt, mây bay tà tà đỉnh núi, ánh mặt trời chen ngang rót xuống quả đồi những vệt nắng vàng đượm. Đứng giữa lòng đất trời, chúng tôi quên hẳn đi xô bồ, bụi bặm của thành phố, lòng ai nấy cũng nhẹ nhàng, an nhiên”.

Đọc những dòng chia sẻ của một thành viên trong đoàn trekking với Q. trước khi sự cố xảy ra,  có thể thấy họ đã và đang sống những tháng ngày tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Họ hạnh phúc dấn thân vào những chuyến “xê dịch”, khám phá những nẻo đường hoang vu.

Và rồi tai nạn xảy ra, cộng đồng mạng lại dậy sóng và không ít người lại chỉ trích những bạn trẻ đam mê xê dịch. Họ lại mỉa mai và kỳ thị chữ “phượt”.

Là một người đi nhiều, tôi cũng không thích chữ “phượt”. Nhưng nói gì thì nói, nhắm vào một người trẻ thiệt mạng vì tai nạn trên hành trình khám phá là rất dễ, chỉ cần ngồi gõ bàn phím. 

Bước ra khỏi 4 bức tường buồn tẻ, cũ kỹ, vượt qua sức ỳ và những nỗi sợ, chấp nhận mạo hiểm để vượt qua giới hạn bản thân và thực hiện đam mê, mới là khó.

up-fb-1

Có câu nói: “Con vẹt trong lồng luôn cho rằng rừng xanh là nguy hiểm, con ếch trong ao tù luôn sợ hãi xung quanh”. Sự nguy hiểm luôn tồn tại xung quanh, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn ở nhà, trong công ty, hay ngoài đường. Ở chốn rừng thiêng nước độc, trong một hành trình ăn ngủ giữa hoang vu, chuyện sống chết lại càng chỉ trong chớp mắt. 

Sự ra đi của Q. là một điều đáng tiếc. Q. còn chưa đi qua hết “cơn mưa rào” của tuổi trẻ. Nhưng chẳng phải ngay trước giờ phút ấy, Q. đã có những trải nghiệm tuyệt vời với “khung cảnh núi non hùng vĩ”, “mây bay tà tà đỉnh núi, ánh mặt trời chen ngang rót xuống quả đồi những vệt nắng vàng đượm” đấy sao?

Mấy ai có thể “đứng giữa lòng đất trời” để “quên hẳn đi xô bồ, bụi bặm của thành phố”, và thấy lòng “nhẹ nhàng, an nhiên”, nếu nhất quyết lựa chọn sự an toàn?

5

Xê dịch không phải nguyên nhân khiến Q. ra đi. Xê dịch là một con đường đầy thử thách mà Q. đã chọn, học cách vượt qua nó để đi tìm giới hạn của bản thân.

Xê dịch là một hành trình chứa đựng nhiều rủi ro, thử thách và những điều không thể lường trước. Những sự cố thương tâm trên đường xê dịch không phải hồi chuông cảnh tỉnh rằng ta nên hoảng sợ, bỏ cuộc hay dừng lại, mà là lời nhắc ta thận trọng hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn về sức khoẻ, kỹ năng và kiến thức, xê dịch một cách có trách nhiệm hơn – trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Xê dịch là những hành trình đẹp với nhiều câu chuyện đẹp và những con người đẹp. Họ đã đam mê, mạnh dạn bước ra khỏi môi trường chật hẹp để khám phá thế giới xung quanh. Cuộc sống cần thêm nhiều người lữ hành, và bớt đi các anh hùng bàn phím. 

Nếu ai đó tin rằng sự an toàn tốt hơn là đón nhận thử thách, thì họ cứ tin thế đi, nhưng đừng nói những người có đam mê khác biệt là “đua đòi” và “nông nổi”. Thật không công bằng khi dùng thế giới quan của mình để phán xét và mỉa mai lựa chọn của người khác.

MAI HƯƠNG

——-

Kỹ năng sinh tồn khi vượt suối: (Chú ý mục này mình chỉ chia sẻ trên kinh nghiệm thực tế của bản thân. Tuỳ tình hình thời tiết, địa hình mà có thể đúng hoặc sai. Thông tin chỉ nên coi làm tham khảo nhé).

1. Tinh thần tập thể: Đội hình qua suối phải vững chắc, có thể theo 2 cách. Cách một: Nếu lòng suối đủ rộng, dàn hàng ngang cùng đi một lượt , hai bạn nam khỏe mạnh đi hai đầu, các bạn nữ đi giữa. Người đầu dòng có nhiệm vụ cản bớt dòng nước, người cuối dòng đề phòng bất trắc. Giữ đội hình bằng cách người này nắm cổ tay người kia và ngược lại, di chuyển cùng tốc độ qua suối.

Cách hai: Di chuyển hàng dọc nối đuôi nhau nếu suối nhiều đá, vẫn là hai bạn nam khỏe mạnh đi trước và đi sau để cố định đội hình. Người đi trước dò đường, người đi sau kiểm soát đội hình.

2. Gậy gỗ: Để chống phía dưới dòng nước. Phải là gậy gỗ, vì gậy tre dễ nổi, khó gài vào đá. Người đi sau bám vào vai hoặc balo người đi trước, tay kia dồn lực lên gậy. Mọi người di chuyển cùng tốc độ qua suối.

3. Dây thừng: An toàn nhất là giăng một sợi thừng ngang suối để bám vào đi qua. Một người có kỹ năng tốt sẽ qua suối trước, cột dây chắc vào một thân cây. Bên này dây sẽ được cột rút để kéo thu hồi sau khi qua suối.

4. Trang bị thông tin và kiến thức về lũ: Nên tìm hiểu tình hình mưa, nguy cơ lũ quét ở khu vực suối mình sẽ đi qua. Người kinh nghiệm chỉ cần áp tai xuống đất nghe âm thanh lũ về cách đó 2-5km, có thể tính toán liệu đủ thời gian hoặc có nên vượt suối không.

5. Đặc điểm sông suối vùng núi: Khi mưa, nước thường đổ về rất nhanh và mạnh, thường gọi là nước ống. Con nước này có thể cuốn phăng tất cả trên đường chảy, nhất là ở gần đầu nguồn. Con nước lớn thậm chí có thể cuốn luôn khu vực trên bờ. Dân đi núi, lội rừng thường xuyên rất hiếm khi dám lội suối khi trời sắp hoặc đã bắt đầu mưa.

Đặc biệt lưu ý là đá ở các vùng sông suối này thường có dạng tròn, thường gọi là đá “thầy tu”, trơn tuột, không có độ bám. Cần cẩn thận đến mức cao nhất, bước chân hết sức dò dẫm, tránh bị nước cuốn phăng đi khi trượt chân…

link bài viết trên báo Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/xe-dich-khong-day-ban-vao-cho-chet-20171011101221564.htm

Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

635 thoughts on “Chuyện nữ phượt thủ Q. bị lũ cuốn trên đường trekking Tà Năng – Phan Dũng: Xê dịch không đẩy bạn vào chỗ chết”

  1. Quyên Nguyễn says:

    Nhiều người lo đi du lịch gặp nguy hiểm nhưng thật ra ở Sài Gòn, chỉ cần ra đường tham gia giao thông cũng có nguy cơ gặp tai nạn rồi. Du lịch, lái xe, hay làm bất kì việc gì cũng cần chuẩn bị kiến thức và kĩ năng, như chị nói.

Leave a Reply