Ấn Độ, Photos

🇮🇳 Ấn Độ (Chap 14). Ngày đầu tiên ở Ziro: Gặp gỡ Michi Tajo – tour guide giỏi nhất vùng

Ảnh chụp bố mẹ của Michi Tajo - những người Apatani cổ cuối cùng còn lại trên thế giới.
Ảnh chụp bố mẹ của Michi Tajo - những người Apatani cổ cuối cùng còn lại trên thế giới.

🙋🏻‍♀️ Chào các bạn từ Ziro trong một ngày trời mát mẻ và đầy nắng muốn tát vỡ mặt khách du lịch.

Khách sạn Blue Pine nơi chúng tôi lưu lại ở Ziro nằm trên một quả đồi sát trung tâm thị trấn – nơi sầm uất và đầy đủ nhất của Ziro. Từ đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh trung tâm. Nếu như những người Apatani cổ đại còn sống ẩn dật ở trong làng với những ngôi nhà bằng tre, thì ở khu vực trung tâm thị trấn lại toàn những người trẻ tuổi sinh sống với nhiều ngôi nhà được xây bằng bê tông và lợp ngói tôn.

IMG_7770
View một góc trung tâm thị trấn Ziro nhìn từ khách sạn Blue Pine (thuộc Ziro, bang Arunachal Pradesh)

Lễ tân chính của khách sạn Blue Pine là anh chàng Bijay Magar vừa lùn vừa mập nhưng rất dễ thương và nhiệt tình. À trong những ngày tui ở Ziro, Bijay Magar còn hay gọi tui là “em gái”. Tui thì có mang theo vài túi kẹo dẻo ngon ngon từ Việt Nam đi để tính là gặp ai tui quý quý ở Ấn Độ thì tui tặng cho họ một nắm kẹo. Và người đầu tiên được nhận kẹo của tui chính là Bijay Magar bụng bự! Cơ mà nói vậy ko phải tui đã tặng kẹo ngay đâu. Trải qua 4-5 ngày ở Ziro với bao cay đắng ngọt bùi, tỏ lòng một con người tui mới quyết định cho kẹo đếy. Chứ ăn kẹo của chuỵ đâu có dễ, cho cái nào là đức ruộc đức gan cái đó!

Sau khi ổn định chỗ ở, tôi ra gặp Bijay Magar tỏ vẻ “nguy hiểm” bảo: “Này anh, chúng tôi là phóng viên quốc tế đến từ…Viết Nàm. Chúng tôi đến để viết phóng sự về những người phụ nữ Apatani cổ. Sẽ nhắc đến tên khách sạn của anh trên báo luông. Nên anh hãy giới thiệu cho chúng tôi một tour guide xịn xịn vào nhéeee?”.

Mặc dù biết tôi xạo quần, nhưng vì lần đầu gặp người Việt Nam đến Ziro nên Bijay Magar cũng tỏ ra khá sốt sắng và hứa sẽ giúp liên hệ một guide am hiểu tộc người Apatani nhất của xứ Ziro. Quả đúng như lời hứa, sau cú điện thoại, chúng tôi được thông báo: Michi Tajo – “tour guide giỏi nhất vùng” đã nhận lời hướng dẫn cho nhóm trong những ngày lưu lại Ziro.

Bijay Magar còn bảo: “Michi Tajo là hội trưởng hội văn hóa của bộ tộc đấy. Nên nếu không phải là Michi dẫn đi thì rất khó được tiếp cận với các thầy phù thủy (shaman) và các tộc trưởng”. Nghe xong tôi càng háo hức mong được diện kiến Michi Tajo sớm hơn. Tôi có linh cảm là thời của mình sắp tới rồi….!

Và quả đúng như lời Bijay Magar nấm lùn cam kết, Michi Tajo chính là Hội trưởng hội văn hóa của cộng đồng Apatani, bố mẹ anh chính là những người Apatani cổ đại, bởi vậy anh cực kỳ cực kỳ am hiểu văn hóa lẫn con người Apatani. Không những thế, từ mấy năm nay, Michi Tajo còn là một cộng tác viên đắc lực của kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery Chanel.

Thậm chí tên anh còn được Lonely Planet (sách du lịch nổi tiếng thế giới) nhắc đến khi giới thiệu về Ziro. Đó là một bản lý lịch quá “khủng” cho một hướng dẫn viên du lịch mà bất cứ dân phượt nào ăn ở tốt may mắn gặp được. Hị hị, ý là tự khen mình đó.

Lái xe hơi giỏi, nói tiếng Anh tốt, hiểu cả ngôn ngữ Apatani cổ, rành hết đường đi lối lại của Ziro, đặc biệt vốn kiến thức văn hóa đồ sộ về bộ tộc Apatani đã giúp Tajo nhanh chóng trở thành hướng dẫn viên “giỏi nhất vùng” kể từ khi Ziro có mặt trong bản đồ đi “phượt” của thế giới.

Và giây phút biết tới Michi Tajo, tôi biết, cuối cùng thì… những điều xui xẻo cũng đã chấm dứt. Cuối cùng thì thời của mình cũng tới rồi, cuối cùng thì anh Nam và anh Ninh sẽ hài lòng, chắc chắn!!!

Thời tới cản không nổi, là có thật!!!

Ảnh: Anh Ninh chụp lúc tui và Michi Tajo cùng đi chợ mua đồ về nấu ăn cho cả nhóm tại nhà của Michi Tajo. À tấm hình này thặc diệu kỳ, vì tóc đã che mất vẻ vuông vắn của khuôn mặt tui, làm lên ảnh nhìn rất chi là trái xoan. :)))
Ảnh: Anh Ninh chụp lúc tui và Michi Tajo cùng đi chợ mua đồ về nấu ăn cho cả nhóm tại nhà của Michi Tajo. À tấm hình này thặc diệu kỳ, vì tóc đã che mất vẻ vuông vắn của khuôn mặt tui, làm lên ảnh nhìn mặt rất dài và cằm rất nhọn như mấy em gái tiêm filler zô cằm í. :))) Thặc vi diệu!!!

Và đúng là nhờ có Michi Tajo mà chúng tôi đã đỡ vất vả rất nhiều khi phải tiếp cận với một nền văn hóa lâu đời như tộc người Apatani cổ xưa chỉ trong vòng mấy ngày.

“Tao làm guide đã 5 năm rồi, đã có nhiều đoàn khách quốc tế đến Ziro để tìm hiểu văn hóa của vùng đất này như Anh, Mỹ, Nhật, Pháp… nhưng du khách Việt Nam thì đây là lần đầu tiên tao được gặp” – Michi Tajo nói thế. Vậy không biết chúng tôi có phải những người VN đầu tiên đặt chân tới vùng đất này không nhỉ? Ừ thì không quan trọng lắm, nhưng nếu đúng thế thật thì vẫn tự hào chứ!!!

Theo lời Michi Tajo, để hiểu được tập tục, văn hóa của người Apatani cần phải có một thời gian dài. Người Apatani có bề dày lịch sử, nhưng vì chiến tranh ly loạn mà bộ tộc của anh đã không còn lưu giữ được những văn hóa hữu hình. Tất cả chỉ còn trong ký ức cổ xưa.

Michi Tajo có một tâm nguyện là lưu giữ lại thật nhiều hình ảnh và thước phim về bộ tộc của mình. Và anh luôn mong muốn có thể góp phần đưa Ziro ra với thế giới: “Ziro là một vùng đất đầy mê hoặc về văn hóa lẫn địa lý dưới chân dãy Himalaya hùng vĩ. Vậy nên phải cố gắng để giới thiệu quê hương mình với bạn bè thế giới”.

Và hành trình khám phá Ziro, khám phá những nét văn hóa của bộ tộc Apatani cổ đại của chúng tôi… chính thức được bắt đầu!

IMG_8162
Anh Nam cười tươi như hoa khi chụp ảnh cùng những người phụ nữ Apatani tại Ziro. Nụ cười ấy làm lòng tôi nhẹ tựa mây trôi. Mong từ nay về sau ngày nào anh cũng cười :))) P/s: Tấm hình nài đc chộp sau khi các bà đòi anh Nam mua cho mấy gói cá khô và ngô cay để ăn vặt tại cửa hàng tạp hoá. Mềnh cũng mún đc ăn cá khô và ngô cay nhưng khum anh nào có nhu cầu chộp ảnh cùng mềnh cả. 😩😩

IMG_8163
Anh Ninh bóp vai và đấm lưng cho một người phụ nữ Apatani cổ, khi bà nói đau lưng và chỉ sống có một mình.
Bình luận ^^!

Published by Mai Hương

Tôi là một kẻ lang thang, chụp choẹt linh tinh, sưu tầm các câu chuyện và đi viết dạo. Đơn giản vậy thôi. Tôi thường tìm đến với những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống cổ đại và những nền văn hoá sắp biến mất. Tôi muốn được tận mắt chạm vào những “huyền thoại” trên thế giới này rồi ghi lại nó qua những câu chuyện, những bộ ảnh, những thước phim,… theo – cách – của – riêng – mình, trước khi nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi xê dịch tiết kiệm theo cách xin làm TNV quốc tế, làm WWOOF trong các trang trại, ở nhờ qua couchsurfing, xin đi nhờ xe và sống “man di mọi rợ” như người địa phương.

Leave a Reply